Sunday, November 12, 2017

 





AI GÂY RA NẠN ĐÓI NĂM ẤT DẬU 1945





Written By Kelvin Tran on Tuesday, March 31, 2015 | 5:16 PM








TRẬN ĐÓI THÁNG BA NĂM ẤT DẬU 1945

GS PHẠM CAO DƯƠNG

Ðây là trận đói thê thảm nhất và khủng khiếp chưa từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam với hàng triệu người đã bị bỏ mạng, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân chính đã đưa tới biến cố 19 tháng 8 năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền, và tình trạng hiện thời của một nước Việt Nam lẽ ra ra đã có tự do, dân chủ và tiến bộ từ bảy mươi năm trước.


Ðây cũng là một trang sử mà bất cứ người Việt Nam nào cũng nên đọc, tìm hiểu và ghi nhớ. Không đọc, không hiểu và không ghi nhớ trang sử này người ta sẽ không hiểu được bản chất của Cách Mạng Tháng Tám và biến cố Việt Minh cướp chính quyền sau đó. Những câu hỏi cần được đặt ra là do đâu có nạn đói này? Nạn đói đã diễn ra như thế nào và được người Việt đương thời kể lại ra sao? và Cộng Sản Việt Minh đã thực sự làm gì trước tình cảnh thê thảm của đồng bào ta thời đó?

   Do đâu có trận đói này?

Xảy ra dưới thời Vua Bảo Ðại và chính phủ Trần Trọng Kim nhưng thực sự trận đói này đã có nguồn gốc từ lâu trước đó còn chính phủ Trần Trọng Kim, một cách oan khuất, đã phải lãnh chịu tất cả mọi hậu quả, nhất là bị trách cứ là tay sai của Nhật, là bất lực. Trong khi đó thì Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng Sản đã lợi dụng cơ hội tuyên truyền, sách động quần chúng, cướp chính quyền khi Nhật Bản đầu hàng Mỹ.

Nói rằng trận đói này có nguồn gốc từ lâu là vì đồng bằng Bắc Kỳ và ba tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh dân số vốn dĩ đã đông, lại tăng thêm nhiều trong những năm cuối thập niên 1930 đầu thập niên 1940 trong khi diện tích canh tác lúa gạo hầu như không thay đổi, kỹ thuật sản xuất cho tới thời điểm này vẫn còn lạc hậu, sản lượng lúa gạo trong những năm bình thường chỉ vừa đủ cho người dân sống dưới khẩu phần trung bình cần thiết cho mỗi cá nhân. Ngô, khoai, sắn, đậu... phải được dùng để ăn độn thêm; nhiều khi những thứ này không còn đủ, họ phải ăn cám.

Tại sao lại phải ăn độn thêm? Ta có thể giải thích dựa theo những con số do Y. Henry và De Visme cung cấp. Theo hai ông này, nếu khẩu phần trung bình cần thiết cho một người trong một năm là 337 kg thóc, tương xứng với 223 kg gạo thì người nông dân Việt Nam trong suốt thời kỳ Pháp thuộc không bao giờ có được khẩu phần này. Ngay từ năm 1900 con số đã giảm xuống còn 262 kg, năm 1913 còn 226 kg, và đến năm 1937 còn 182 kg. Ðây chỉ là những con số tính chung cho toàn cõi Ðông Pháp. Ở những nơi đông dân như Bắc Kỳ và miền Bắc Trung Kỳ, tình trạng thiếu ăn này còn trầm trọng hơn nhiều. Khoảng năm 1937, khẩu phần trung bình ở Bắc Kỳ chỉ có 217 kg thóc, tương đương với 143.5 kg gạo và ở Trung Kỳ là 223 kg thóc hay 154 kg gạo một năm.(1) Về phía người Việt Nam, Nghiêm Xuân Yêm, một chuyên gia nông nghiệp tốt nghiệp trường Cao Ðẳng Nông Lâm đương thời, sau này là bộ trưởng Canh Nông trong chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong các thập niên 1950, 1960, trong một bài viết đăng trên tờ Thanh Nghị, số 107, ra ngày 5 Tháng Năm 1945, nhan đề “Nạn Dân Ðói, Một Vài Nhận Xét và Thiển Kiến Về Vấn đề Thóc Gạo” cũng đưa ra nhận xét tương tự. Ông viết:

“Toàn xứ chỉ có ba tỉnh dưới đây là đại khái có thóc gạo vừa vặn đủ ăn không thừa để bán sang địa hạt tỉnh khác và cũng không phải đong thêm ở các tỉnh lân cận nào:

1) Bắc Ninh sản xuất: 800,000 tạ thóc, dân số: 480,000 người, mỗi miệng ăn cả năm được 192 kg thóc.

2) Phú Thọ sản xuất: 494,000 tạ thóc, dân số: 203,000 người, mỗi miệng ăn cả năm được 187 kg thóc.

3) Sơn Tây sản xuất 528,000 tạ thóc, dân số: 270,000 người, mỗi miệng ăn cả năm được 195 kg thóc.

Trung bình, cả ba tỉnh, mỗi người dân 191 kg thóc một năm, vào khoảng 840grs gạo một ngày. Sở dĩ dân ba tỉnh ấy đủ no với số gạo 840 grs một ngày là vì ba tỉnh ấy trồng trọt được nhiều hoa mầu ngô, khoai, sắn... Còn các tỉnh khác đều kém ruộng trồng mầu cả. Vậy nếu ta căn cứ vào ba tỉnh đủ ăn ấy, ta nhận thấy rằng: dù kể cả ngô khoai, sắn ăn lẫn với gạo thì theo sức sản xuất của mọi trồng trọt, mỗi người dân xứ ta vẫn còn cần phải được ít ra 191 kg thóc. Nghĩa là nếu ở toàn xứ, mọi sự trồng trọt hoa mầu dầu được tương tự bằng ở 3 tỉnh Bắc Ninh, Phú Thọ, Sơn Tây để có thể có đủ thức ăn độn thì dân cũng cần phải có tới 17,000,000 tạ thóc để ăn. Tóm lại đổ đồng hàng năm ta vẫn còn thiếu mất: 17,000,000 - 14,500,000 = 2,500,000 tạ thóc. Nhưng sự thực dân ta vẫn còn bị thiếu hơn vì các tỉnh khác có trồng được ngô khoai tương tự bằng 3 tỉnh kể trên đâu. Vậy ta có thể quả quyết nói rằng mỗi năm xứ Bắc này thiếu mất 3,000,000 tạ thóc là ít.
“Tôi xin nhắc lại rằng vì trong quá nửa nồi cơm của dân quê ta có trộn ngô khoai nên trên đây chúng ta mới tính thấy dân chỉ thiếu có ngần ấy thóc, chứ tôi chắc ai ai cũng biết rằng ăn độn ngô, khoai là một việc bất đắc dĩ. Vì ở các nước ngoài, những thứ kể trên thường chỉ dành riêng cho ngựa, bò hay lợn ăn thôi và gượng gạo dân quê ta thực trạng vẫn sống không bằng đàn gia súc của người ngoài. Bởi vì bình thường dân ta cũng đã thiếu ăn như thế nên hễ rủi gặp trận bão lụt... ắt nạn đói bùng lên nhất là từ hồi người Pháp mượn cớ chiến tranh lập ra chính sách thu thóc một cách tàn ác thái quá thì ròng rã mấy năm nay nông dân mỗi ngày một lâm vào cảnh cơ cực cùng quẫn và đến nỗi ở khắp đồng nội, thành thị ngày nay mới thấy những thảm trạng thây chết nằm ngổn ngang và người sống vất vưởng nheo nhóc như những hồn ma xuất hiện. Hàng triệu sinh linh ngày nay tranh ăn hết phần của súc vật. Cám, bã đậu phụ, rau chuối, củ chuối... là những thức ăn của lợn. Bây giờ dân ăn cơm độn với cám, ăn bánh đúc cám và cháo cám. Củ chuối ở Trung châu bị đào, ngoáy lên chừng sắp hết nên có người đã buôn củ chuối từ Trung du về xuôi với cái giá $150 một tạ. Vì người ta tranh ăn hết phần của chúng, nên lợn, chó, gà, vịt đều phải chết, và thịt thà trở nên một ngày một khan.”.


Riêng chuyện ăn cám đã được nhà văn Lãng Nhân ghi trong một bài viết đăng trong Ðông Dương Tạp Chí, ngày 13 tháng 11 năm 1937, nhan đề “Lời Người Bán Cám” nguyên văn như sau:
“Trong mấy năm nay, từ khi xảy ra nạn kinh tế đến giờ, chúng tôi buôn cám thật chạy tay. Những người đến mua không phải là mua về cho lợn, họ mua về để ăn. Gạo đắt quá, ngô khoai cũng đắt, nhiều người nhà quê phải đành ăn cám. Miễn là đầy bụng thì thôi. Mà ông lại nên biết rằng ăn cám cũng chia làm ba hạng người: Một hạng kiếm được dăm ba xu một ngày, mua cám về nấu lên với rau mà ăn, như lối ăn của lợn nhà giàu. Hạng nữa kiếm được hai ba xu một ngày chỉ trộn cám với nước lã rồi ăn như lối ăn của lợn nhà nghèo. Còn hạng thứ ba là gồm có những người như ông vừa thấy đó, nghĩa là những người không kiếm được xu nào cả, ngày hai buổi đi ngang qua dãy hàng cám, dừng lại mỗi nhà một lúc, mặc cả một đôi câu rồi vốc lấy ít cám bỏ mồm làm như để nếm. Cứ thế vừa đi hết dãy là no.

“Ở thành Nam là nơi không lụt lội mà còn bao nhiêu người ăn cám, không biết ở nơi bèo trôi sóng vỗ người ta được ăn những gì? “Xét ra người nhà quê phần nhiều phải ăn cám cũng là lẽ tất nhiên. Ði gặt hái một ngày chỉ kiếm được ba xu, khi không phải mùa gặt hái thì đi đánh giậm, một buổi khéo lắm được mười xóc cua, đem bán ba xu. Ba xu mà nuôi cha già, con dại, ba xu mà vợ đẻ con sài, ba xu mà đóng góp với làng, thật là ăn cám cũng không xong. Nào có được đâu một ‘số lương ít nhất’ như thợ thuyền. Nào có được như thợ thuyền làm có giờ, chơi có buổi! Lại cũng không họp được đoàn thể mà yêu cầu, không đình công được mà phản kháng. Quan bắt đi đê thì phải bỏ hết mà ra đê, có ‘cụ’ nào về kinh lý thì lại phải đẵn tre, vác cờ đi hàng chục cây số để bày hương án, kết cổng chào, tỏ lòng khuất phục! Bấy nhiêu việc đều là không công.”


Cho tới nay, vì thiếu những thống kê chính xác, ta không biết chính xác con số các nạn nhân của Trận Ðói Tháng Ba Năm Ất Dậu 1945 là bao nhiêu. Một triệu, hai triệu, hơn nữa hay ít hơn.

Chuyện Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng Sản, lợi dụng nạn đói tháng 3 năm Ất Dậu, xúi giục các nông dân vô tội nổi loạn cướp phá các kho thóc gạo rồi sau đó theo đảng này cướp chính quyền với những hứa hẹn chia ruộng đất và không còn phải đóng thuế nữa là một điều dễ hiểu. Ðiều đáng tiếc là người chết không còn sống lại để thấy hiện trạng của đất nước Việt Nam 70 năm sau đó như thế nào.

Oan hồn của những nạn nhân kể trên, khởi đầu là hai triệu nạn nhâncủa Nạn Ðói Tháng Ba Năm Ất Dậu 1945, sau 70 năm đã được giải thoát hay chưa? Ðã có ai hàng năm lập đàn tràng để giải oan cho họ chưa?

Tình trạng bấp bênh, trên bờ vực của đói kém này dễ trở thành trầm trọng hơn khi có những đại nạn bất ngờ xảy ra như hạn hán, lụt lội, bão táp,(3) côn trùng... phá hại mùa màng hay giặc giã cướp phá trong đó có sự cướp phá các kho thóc của Việt Minh, làm mất an ninh. Tất cả những tác tố này đã xảy ra từ những năm trước năm 1945 và đã trở thành trầm trọng hơn với sự bùng nổ của Thế Chiến Thứ Hai và sự hiện diện của quân đội Nhật. Nhu cầu tiêu thụ của quân đội Nhật, sự cưỡng bách người dân nộp và tích trữ gạo của cả người Nhật lẫn người Pháp, việc người Nhật ép buộc người dân phải bỏ ruộng trồng lúa để trồng đay, trồng thầu dầu hay đậu phọng và sản xuất thêm rượu do nhu cầu của chiến tranh, nạn máy bay Mỹ oanh tạc đường biển và đường xe lửa Bắc-Nam hàng ngày khiến gạo từ miền Nam không chở ra để tiếp tế cho miền Bắc như trong những năm bình thường(4), nạn lũng đoạn của gian thương, nhất là gian thương người Tàu là những nguyên nhân chính yếu đã được ghi nhận, đặc biệt là từ sau năm 1943.

    Diễn tiến và thảm cảnh của trận đói

Bắt đầu từ mùa Ðông năm 1944 nạn đói đã lan rộng và trở nên mỗi ngày một trầm trọng hơn. Từ miền quê nạn khan hiếm gạo đã lan đến các thành thị và luôn cả thủ đô Hà Nội. Ðoàn Thêm, một công chức trẻ của Phủ Toàn Quyền đương thời, một trong số rất nhiều nhân chứng sống đã ghi lại hiện tượng này ở ngay Hà Nội như sau: “Từ Tháng Chạp (1944) không thấy bóng chị hàng sáo quen vẫn quảy gạo trắng từ ngoại-ô vào Hà-nội bán cho gia đình tôi; nghe nói thôn-quê không còn dư để cung cấp cho thành-phố nữa. Nên người nhà tôi phải đi đong gạo tiếp-tế vừa đỏ vừa rắn, lại phải mang thẻ phân phối đứng nối đuôi dài trước tiệm buôn lẻ và chầu chực hàng giờ; có khi đợi lâu quá, đành trả một vài hào (cắc) cho người đến trước để được nhường chỗ. Chỗ đứng cũng bị đầu-cơ do những kẻ chuyên đi choán sớm để buộc người nóng ruột bỏ tiền ra mua quyền ưu-tiên.”(5) Nhưng đó chỉ là buổi đầu, sau đó là dân quê rủ nhau tới các thành phố để kiếm ăn, vì tưởng ở đây thừa gạo dự trữ để cứu trợ, cũng theo lời kể của Ðoàn Thêm:
“Các hội thiện phải lập những trại tạm-trú ở quanh thành phố, như tại xã Giáp-nhất, Giáp-nhì, Giáp-bát, bãi cát Phúc-xá bên sông Nhị-hà: hàng ngàn người cầu thực được chứa tại đó, và cấp cháo nấu bằng gạo lạc-quyên. Nhưng số người cứ tăng mãi, cứu tế làm sao cho đủ? Bao hành khất hốc-hác như bộ xương ma, được đồng tiền không lấy, chỉ xin cơm. Một ông già đã quá đuối sức vừa nhận nắm xôi chưa kịp bỏ vào mồm, đã lăn ra tắt thở. Nhiều thây gục chết ở đầu hè, góc chợ, được chở ra nhà xác thủ-đô. Ở nhiều vùng dân chết cả nhà, cả xóm, hay gần cả làng. Hết gạo, hết khoai, hết chó mèo, hết chim, hết chuột, hết củ chuối, người ta làm thịt... con nít. Sự thảm khốc này dĩ nhiên là khó tin. Nhưng tới năm 1947, nhân dịp chạy tản cư về hạt Xuân-trường tỉnh Nam Ðịnh, tôi đã có lần bước vào một ngôi nhà trống. Hỏi vì sao nơi đây hoang vắng, thì được mách rằng không ai dám đến ở, vì cả gia đình khổ-chủ đã chết từ năm 1945 sau khi nấu một đứa con nhỏ làm món nhựa mận ăn cho đỡ đói.”(6)

Chưa hết, bên cạnh cái đói là cái rét. Chưa bao giờ miền Bắc lại rét như vậy. Ngày Tết Nguyên Ðán năm Ất Dậu (13 tháng 2, 1945) nhiệt độ được ghi nhận là 4 độ ở Hà Nội.(7) Ngay cả Văn Cao, tác giả của bài Tiến Quân Ca, nhạc phẩm sau này trở thành quốc ca của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và tiếp theo là của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Ông cũng là tác giả của rất nhiều bài hát trữ tình nổi tiếng nhất Việt Nam đương thời và sau này, cũng đã là nạn nhân của cả hai nạn đói và rét này. Người nhạc sĩ được nhiều người kính trọng và yêu mến đã kể lại hoàn cảnh của chính ông như sau:
“Năm ấy rét hơn mọi năm. Tôi ngủ mặc nguyên quần áo. Có đêm phải đốt dần bản thảo và ký họa để sưởi. Ðêm năm ấy cũng dài hơn mọi năm. Những ngày đói của tôi bắt đầu...”(8) với những gì ông nhìn thấy ở Hà Nội, chung quanh ông: Bên một gốc cây bóng những người đói khổ trần truồng loang trên mặt hồ lạnh. Họ đang đun một thứ gì trong một cái vỏ sữa bò. Ngọn lửa tím sẫm bập bùng trong những hốc mặt. "Có một đứa bé gái. Nó khoảng lên ba. Tôi ngờ ngợ như gặp lại cháu tôi. Ðôi mắt nó giống như mắt con mèo con. Cháu bé không mảnh giẻ che thân. Nó ngồi ở xa nhìn mấy người lớn sưởi lửa. Cháu tôi. Nó đã chết thật rồi. Có thể nó đã nằm trong số người chết dọc đường Nam Ðịnh-Hải Phòng. Tôi bỗng trào nước mắt và quay đi. Tin từ Nam Ðịnh lên cho biết mẹ tôi và các em đã về quê và đang đói. Họ đang phải tìm mọi cách để sống qua ngày như mọi người đang chờ một cái chết thật chậm, tự ăn mình như ngọn nến.”(9) Chính trong hoàn cảnh bi đát này, Vũ Quí, một cán bộ Cộng Sản, vốn đã theo dõi hoạt động của Văn Cao từ lâu, đã xuất hiện, đưa Văn Cao vào một tiệm ăn và người nhạc sĩ này đã nhận, thoát ly rồi gia nhập Việt Minh, sáng tác bài Tiến Quân Ca và tham gia Ðội Danh Dự, ám sát Ðỗ Ðức Phin... như sẽ được trình bày trong một bài sau.
Không hiểu và không ghi nhớ trang sử nạn đói ẤT DẬU này người ta sẽ không hiểu được bản chất của Cách Mạng Tháng Tám và biến cố Việt Minh cướp chính quyền sau đó.
Cũng trong năm 1945 này, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, ngày 8 tháng 4, đã ghi trong nhật ký của ông khi ông lên thăm Tô Hoài và Nam Cao như sau: “Dọc đường toàn những cảnh đói. Tiếng khóc như đám ma. Những bà cụ mếu máo, những trẻ trần truồng rúc đầu góc tường, hay nằm trong chiếu, những đôi bố con cũng trần truồng nằm vệ đường, những thây chết cong queo, những cái thai trong bụng mẹ, giơ tay một cách dọa nạt. Muốn chụp ảnh,”(10) rồi non một tháng sau, ngày 12 tháng 5, Nguyễn Huy Tưởng ghi thêm:
"Nhiều cảnh ăn thịt người. Cảm thấy như mang lỗi khi làm tiểu thuyết giữa lúc số phận đất nước đang nguy ngập chưa biết định đoạt ra sao”.(11)

Vũ Ðình Hòe, một trong năm người sáng lập và chủ trương tờ Thanh Nghị đã nói ở trên cũng cho biết: “Các báo hàng ngày luôn luôn phản ảnh bức tranh vô cùng ảm đạm của cảnh chết đói đầy đường ở nông thôn các tỉnh đồng bằng Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ. Từng bọn người rách rưới, thân hình khô đét, đen thủi; vợ chồng con cái dắt díu đi ăn xin ở đường phố Hà Nội, hoặc lê la vào các chợ nhặt lá bánh từ các đống rác đầy ruồi nhặng. Xe bò của các hội từ thiện mỗi buổi sáng đi nhặt xác chết, sau khi đã phân phát hết những nắm cơn nhão, những bát cháo loãng chở trên xe cho những người còn lết đi được hoặc còn thoi thóp.”(12)

Ðói từ đó đã trở thành đề tài cho văn chương, thi ca và âm nhạc của Việt Nam đương thời và sau này, điển hình là nhạc sĩ Ngọc Bích với bài hát Con Ðò Ðưa Xác, Bàng Bá Lân với bài thơ Ðói...

Con số nạn nhân được hầu hết mọi người nói tới là hai triệu. Hai triệu trong số non 10 triệu người bị coi là một con số khủng khiếp vì nó tương đương với 20% dân số của miền Bắc và của hai tỉnh Thanh-Nghệ đương thời. Con số này, tuy nhiên bị nhiều người trong đó có sử gia Mỹ David G. Marr và sử gia Na Uy Stein Tonnesson cho là phóng đại bởi những nhà tuyên truyền Việt Minh. Ngay Hồ Chí Minh trong bản Tuyên Ngôn Ðộc lập của ông cũng đưa ra không những con số hai triệu mà còn “hơn” hai triệu. Thực sự người ta không biết con số nạn nhân là bao nhiêu vì thống kê chính xác và đầy đủ cho tới nay vẫn chưa tìm ra được nếu không nói là không có. Các quan lại cai trị địa phương do hoàn cảnh vô cùng nhiễu nhương, giao thông trở ngại, khó mà làm chủ được tình hình. Những con số người ta có được chỉ là vụn vặt của một số phủ, huyện, tỉnh gửi về Phủ Khâm Sai Bắc Bộ chứ không phải của toàn thể các tỉnh miền Bắc, chưa kể Thanh Hóa và Nghệ An. David G. Marr cho rằng con số đáng tin cậy hơn là một triệu, con số theo ông đã khủng khiếp lắm rồi vì nó tương đương với mười phần trăm dân số trong vùng cho một thời gian ngắn ngủi, vỏn vẹn có năm tháng. Sử gia này cũng viện dẫn những con số trích trong tài liệu dùng cho các viên chức của chính phủ Hồ Chí Minh thời đó như một triệu người ở miền Bắc và ba trăm ngàn ở miền Trung. Còn Stein Tonesson thì ước lượng thấp hơn, từ nửa triệu đến một triệu.(13)

Các sử gia khác như Philippe Devillers thì con số là gần một triệu,(14) Joseph Buttinger là từ một triệu đến hai triệu, còn dẫn theo Toàn Quyền Jean Decoux, là một triệu.(15) Sau này Fredrik Logeval, dẫn theo tài liệu của nhà cầm quyền đương thời, có lẽ là thời chính phủ Trần Trọng Kim, vào tháng 5 năm 1945,(16) vào lúc nạn đói đã giảm bớt là 380,969 cho miền đồng bằng Bắc Kỳ, và sau một năm với các dữ liệu đầy đủ hơn là một triệu người cho miền Bắc và khoảng 300,000 cho miền Bắc Trung Kỳ. Trong những năm sau nữa con số leo lên tới hai triệu người cho khoảng thời gian là năm tháng của năm 1945. Trước đó sử gia Alexander B. Woodside đã đưa ra một biên độ lớn hơn là từ 400,000 đến 2 triệu cho hai năm 1944-1945.(17)

Có điều con số hai triệu hay hơn hai triệu đã trở thành chính thức được công bố và được ghi trong sử sách của chính quyền Việt Minh thời đó, coi như tội ác gây ra bởi Thực Dân Pháp và Phát Xít Nhật, một mục tiêu tuyên truyền nhằm thúc đẩy quần chúng nổi lên chống lại không chỉ hai thế lực thống trị Việt Nam thời đó mà luôn cả chính quyền Bảo Ðại - Trần Trọng Kim sau này, một chính quyền bị Việt Minh tuyên truyền là bù nhìn, là Việt gian, tay sai của cả Pháp lẫn Nhật, tuyên truyền để dân chúng nổi lên giúp họ cướp chính quyền ngày 19 tháng 8 sau đó.(18) Thuật vận động của tổ chức này là: “bám vào nạn đói kém, chính sách thu thóc, thu hạt dầu mà gây lòng phẫn uất của nhân dân, làm cho họ giác ngộ Nhật không giải phóng cho ta đâu, do đó đưa nhân dân ra đường tranh đấu...”(19) Tất cả là nhằm vào mục tiêu chính yếu là cướp chính quyền như họ sẽ thực hiện về sau này, kể cả sau khi Nhật Bản đã đầu hàng Mỹ và chính quyền Bảo Ðại - Trần Trọng Kim đã đương nhiên trở thành hoàn toàn độc lập.

    Chính phủ Trần Trọng Kim và công tác cứu trợ

Cứu đói và luôn cả cứu rét do đó là hai công tác vô cùng khẩn cấp mà chính phủ Trần Trọng Kim phải làm và được mọi người trông đợi phải làm ngay từ khi mới được thành lập vì, như đã nói ở trên, nạn đói đã lên đến cực điểm vào tháng 3 năm đó đúng như tên nó được gọi: Trận Ðói Tháng Ba Năm Ất Dậu và vì “Tháng Ba bà già chết rét.” Hành động đầu tiên của chính phủ này là yêu cầu người Nhật bãi bỏ sự cưỡng bách bán gạo của họ ở miền Trung và miễn bán cho những ai có dưới ba mẫu ruộng ở miền Bắc. Lý do là vì sự cưỡng bách này đã làm cho gạo trở thành khan hiếm có tiền cũng không mua được, kể cả trường hợp của các tổ chức cứu trợ. Mặt khác, một Ủy Ban Trung Ương Tiếp Trợ Nạn Nhân Miền Bắc do Từ Cung Hoàng Thái Hậu, thân mẫu của Hoàng Ðế Bảo Ðại làm chủ tịch danh dự, Bộ Trưởng Bộ Kinh Tế Hồ Tá Khanh, làm phó chủ tịch, trụ sở đặt ở số 43 đường Paul Bet, Hà Nội.(20)

Tiếp theo, ngày 7 tháng 6, Khâm Sai Bắc Bộ Phan Kế Toại ra nghị định bãi lệ nộp thóc cho chánh quyền, đồng thời cấm tích trữ quá hai tấn thóc hoặc một tấn gạo, cho hàng sáo chuyên chở và bán gạo tự do, giá thóc cũng được ấn định từ $100 đến $130 mỗi tạ, giá gạo từ $150 đến $225 mỗi tạ, so với giá gạo chợ đen ở Hà Nội hồi tháng 5 trước đó là $600 một tạ gạo xấu, $800 một tạ gạo tốt.(21) Mặt khác, ngày 14 tháng 6, Bộ Trưởng Bộ Tiếp Tế Nguyễn Hữu Thí được đặc phái vào Saigon thu xếp việc vận chuyển gạo từ Nam ra Bắc và việc di cư một triệu dân từ Bắc bộ và Trung Bộ vô Nam.(22) Ðây không phải là một việc làm dễ dàng vì cả ba đường xe lửa, đường bộ và đường biển đều bị không quân Mỹ thường xuyên oanh tạc. Người ta đã phải dùng các hải cảng nhỏ khác thay vì Saigon và các thuyền mành của tư nhân để chuyên chở thóc gạo ra Bắc.

   Việt Minh và các cuộc cướp phá các kho thóc gạo

Nỗ lực đem gạo từ Nam ra Bắc tuy nhiên đã không mang lại được những kết quả mong muốn vì nó nằm ngoài tầm tay của người Việt chưa kể sự phá hoại của chính Việt Minh mà sử gia Mỹ David G. Marr đã ghi trong tác phẩm của ông căn cứ vào tài liệu của huyện Sơn Tịnh thuộc tỉnh Quảng Ngãi, theo đó Việt Minh đã chặn bắt nhiều thuyền chở gạo từ Nam ra Bắc, lấy hết gạo, đem giấu đi hay chở lên núi cho du kích của họ.(23) Ðiều này phù hợp với những gì hai tác giả Trần Hữu Ðính và Lê Trung Dũng viết trong Cách Mạng Tháng Tám 1945, Những sự kiện lịch sử như sau:
“Ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Sơn la, Thái Nguyên, Yên Bái, trong khi các lực lượng vũ trang cùng quần chúng nhân dân khởi nghĩa đánh đồn, chiếm huyện thì đều tiến hành phá các kho thóc, muối chia cho dân, hoặc tích trữ cho bộ đội, du kích.”
(24)

Mục tiêu sau, mục tiêu “tích trữ cho bộ đội du kích” hầu như ít khi được các tác giả viết về hiện tượng Việt Minh xúi dân phá các kho thóc, gạo nhắc đến mặc dầu ai cũng biết nhu cầu tích trữ thóc gạo để dùng trong các chiến khu của Việt Minh để nuôi cán bộ và du kích ngay từ những ngày đầu là một mục tiêu tối cần thiết bên cạnh các mục tiêu kinh tài khác mà Nguyễn Lương Bằng, từ năm 1943, được Trường Chinh trao cho trách nhiệm kinh tài. Sư kiện này đã được người sau này sẽ là chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa kể lại và được tác giả Thép Mới ghi như sau: “Tôi từ làng Thượng Cát chỉ huy các mối buôn, thôi thì buôn đủ thứ, buôn gạo, buôn khô dầu, buôn dầu ve, dầu trẩu, buôn bè, buôn mật Mai Lĩnh bán vào Hà Nội, buôn gỗ trai làm lược bán về dưới chợ Bằng.”(25) Nên để ý là Việt Minh ở các chiến khu hồi này rất cần tiền để duy trì và phát triển các sinh hoạt của họ vì, cũng theo Nguyễn Lương Bằng qua hồi ký kể trên, vào khoảng cuối năm 1943, đầu năm 1944, khi được Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt phân công “phụ trách dân vận một bộ phận an toàn khu, phụ trách binh vận và phục trách về tài chính,” ông có hỏi: “quỹ của Ðảng ta còn bao nhiêu tiền?” thì được Trường Chinh trả lời: “Tất cả còn hai mươi bốn đồng.”(26)

Câu hỏi được đặt ra ở đây là những hoạt động kinh tài này có ảnh hưởng gì tới sự gia tăng của giá bán và nạn khan hiếm lúa gạo hay không và lượng gạo do những tổ chức của Nguyễn Lương Bằng bán ra có phải là gạo cướp từ các kho chứa của nhà nước đương thời hay không? Câu trả lời phần nhiều là có. Tác giả Vũ Ngự Chiêu cũng nhắc tới sự cản trở của Việt Minh khi ông nói về việc họ cung cấp tin tình báo cho các oanh tạc cơ Mỹ vào lúc lực lượng này gia tăng hoạt động nhắm vào các đường giao thông khiến cho chính phủ Trần Trọng Kim phải dùng xe đạp để chuyển tin tức. Sử gia này cũng nhắc tới sự kiện Bộ Trưởng Xã Hội Vũ Ngọc Anh bị máy bay Mỹ bắn chết ngày 23 tháng 7 và việc Việt Minh xúi giục nông dân phá các kho thóc ở các địa phương.(27)

Sự thực thì hành động xúi bẩy dân chúng phá các kho thóc ở các địa phương này nằm trong chủ trương của Việt Minh. Bằng chứng là trong Lời Kêu Gọi của Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh Chống Nạn Cứu Ðói với nguyên văn:

“...ai là người đương đói khổ, phải rủ nhau kéo đến phủ huyện, tỉnh trưởng, đốc lý đòi phát gạo; chẹn các xe lương và phá những kho thóc của giặc Nhật mà ăn...”

hay:

“Ðói! Ðói! Phải giữ lấy thóc gạo. Phải phá những kho thóc gạo của giặc.”

hay:

“Ðói! Ðói! Phải đánh đuổi Nhật Pháp mới khỏi đói.”(28)

Hiện tượng phá các kho thóc gạo từ tháng 3 đến tháng 7 năm 1945 do Việt Minh xúi bẩy và được Mặt Trận ghi nhận như những thành tích lớn lao của họ đã xảy ra ở rất nhiều nơi và được đăng trên các báo Cứu Quốc và Cờ Giải Phóng. Một vài trường hợp điển hình người ta có thể kể là ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Ðề Thám (tức Bắc Giang) ngày 13 tháng 3, phủ Thuận Thành, tỉnh Ngô Gia Tự (tức Bắc Ninh) ngày 15 tháng 3, tỉnh Tán Thuật (tức Hưng Yên) liên tiếp các ngày 9, 10, 12, 14 tháng 5 và 8 tháng 6, tỉnh Vĩnh Phúc ngày 16 tháng 5, tỉnh Nguyễn Thái Học (tức Vĩnh Yên) ngày 13 tháng 6...(29) Ðiều không kém đáng chú ý là qua những hình ảnh trong các phim tuyên truyền sau này được phổ biến, những người cướp phá các kho thóc gạo có thân hình mập mạp, khỏe mạnh thay vì ốm đói như đương thời được chụp hay tả lại.

Hành động thúc đẩy dân chúng hay tự mình phá kho thóc, kèm theo với sự xúi bẩy dân chúng không nộp thuế, đòi phát gạo... này đã được Việt Minh “kết hợp với phong trào đấu tranh vũ trang trong toàn quốc.” Thay vì gây khó khăn cho người Nhật hay người Pháp, Việt Minh đã gây ra rất nhiều khó khăn và nguy hiểm cho các nhà cầm quyền địa phương đương thời, đặc biệt là các tổng lý và các tri phủ, tri huyện là những người trực tiếp lo việc coi giữ các kho thóc gạo trong địa phương của họ, từ đó cho chính phủ Trần Trọng Kim. Lý do là vì các kho thóc gạo ở các địa phương không phải là chỉ là của người Nhật mà còn là kho dự trữ để điều hòa giá cả trên thị trường trong tổ chức chính quyền của các vua nhà Nguyễn. Nhiều người đã bị bao vây, đánh đập hay bị giết vì đằng sau những người dân thuần túy là những đội danh dự, những cán bộ và những du kích võ trang Việt Minh. Mặt khác, khi xúi người dân đi cướp các kho thóc này, Việt Minh đã biến những người dân thật thà, vô tội này thành những kẻ phạm tội và bị truy tố. Không còn cách nào để trốn tránh pháp luật, những con người khốn khổ và ngây thơ này đã phải bỏ lên chiến khu cùng với những gì họ cướp được. Trường hợp của “chú Thấu” trong hồi ký của nhà văn Vũ Thụy Hoàng là một trường hợp điển hình.(30)

Cuối cùng thì, bằng cách cướp phá các kho thóc gạo, ngoài mục tiêu tâm lý, Việt Minh còn vừa được gạo, vừa được người. Cũng cần phải để ý là các tỉnh có các kho thóc bị cướp kể trên không phải là những tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ như Nam Ðịnh, Thái Bình, Hà Ðông... nơi nạn đói hoành hành mà là các tỉnh ở miền Trung du không xa các cứ địa của Việt Minh là mấy. Người dân ở các tỉnh đồng bằng này, vì bị đói nhiều ngày, lê không nổi, nằm chết dọc đường khi kéo nhau lên các tỉnh hay phủ huyện lỵ ở miền xuôi chưa nổi, sức đâu mà kéo lên các tỉnh ở tít trên các miền Trung du này để cướp phá các kho thóc như được kể. Họ cũng không thể lên đó để lãnh thóc hay gạo hay cơm, cháo từ tay các cán bộ. Việt Minh cũng khó có thể đem thóc hay gạo xuống các tỉnh miền xuôi để phát cho họ. Trường Chinh sau này khi viết về hiện tượng cướp các kho thóc gạo cũng đã đưa ra những con số và hình ảnh mà người đọc không thể không nghĩ là ông đã phóng đại: “Hàng nghìn kho thóc của Nhật ở Bắc-bộ và Bắc Trung-bộ bị quần chúng chiếm chia cho dân nghèo. Nạn đói được giải quyết bằng phương pháp cách mạng. Nông dân Bắc-giang, Thái-nguyên, Bắc-cạn, v.v... nổi dậy chiếm đồn điền của Pháp, Nhật và tiến hành chia đất.”(31)

Câu hỏi được đặt ra là những thóc gạo cướp được đã được chở đi đâu nếu không phải là lên chiến khu như trường hợp xảy ra ở Quảng Ngãi cho thóc gạo chở từ Nam ra Bắc để cứu đói hồi còn chiến tranh và luôn cả sau này, sau biến cố 19 tháng 8.

Cuối cùng cướp phá các kho thóc gạo cũng là một cái cớ được Việt Minh triệt để nhắm vào để lên án sự bất lực của chính phủ Trần Trọng Kim nhằm sách động quần chúng nông thôn nổi lên cướp chính quyền khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt và cơ hội đến với họ. Sự thực thì nạn đói đã không kéo dài. Ngay từ tháng 5 nhờ vụ lúa chiêm được mùa và với nhu cầu lương thực không còn nhiều như trước do con số người chết quá cao, nạn đói giảm dần để sang đến tháng 6 thì gần như không còn nữa.(32) Tất cả đã xảy ra trước khi Việt Minh cướp chính quyền hay nói cách khác, Việt Minh không những không đóng góp được gì tính cực vào nỗ lực cứu đói trong thời gian này mà còn cản trở những hoạt động của chính phủ Trần Trọng Kim cũng như của các nhà cai trị địa phương thời đó.

    Thay cho lời kết

Ngày Tết là ngày gia đình sum họp. Sum họp không phải chỉ trong gia đình nhỏ gồm có vợ chồng con cái mà là sum họp cả đại gia đình nội ngoại và luôn cả tổ tiên, cả người còn sống lẫn người đã chết. Bữa cơm cúng chiều ba mươi Tết là để mời các cụ về và ngày mùng bốn hóa vàng là để tiễn các cụ đi. Cho tới nay, vì thiếu những thống kê chính xác, ta không biết chính xác con số các nạn nhân của Trận Ðói Tháng Ba Năm Ất Dậu 1945 là bao nhiêu. Một triệu, hai triệu, hơn nữa hay ít hơn. Tất cả đều có thể. Cũng vậy, với các con số nạn nhân của những biến cố bi thảm sau đó như cuộc thanh toán các đảng phái quốc gia sau ngày Việt Minh cướp chính quyền 19 tháng 8, cuộc Cải Cách Ruộng Ðất, hai cuộc chiến tranh “Chống Pháp,” “Chống Mỹ,” Phong Trào Vượt Biên, Vượt Biển sau năm 1975... Ba triệu, bốn triệu, năm triệu hay hơn nữa. Tất cả cũng đều có thể. Nhưng có một điều đúng nếu không nói là rất đúng là không một gia đình Việt Nam nào, nhất là ở Miền Bắc, là không mất mát. Ðau thương tràn ngập mọi nhà, chết chóc đầy ngập các hang cùng ngõ hẻm, từ rừng sâu, núi thẳm đến biển cả, đại dương.

Câu hỏi được đặt ra là hồn oan của những nạn nhân kể trên, khởi đầu là hai triệu nạn nhân, nói theo Hồ Chí Minh, của Nạn Ðói Tháng Ba Năm Ất Dậu 1945, sau 70 năm đã được giải thoát hay chưa? Ðã có ai hàng năm lập đàn tràng để giải oan cho họ chưa? Nếu chưa, xin quý vị hãy vui lòng dành một phút sau khi đọc bài này để suy ngẫm và tưởng nhớ tới họ coi như một cách giải oan cho họ cũng như giải oan cho hàng triệu người khác đã bị lợi dụng và bị hy sinh sau đó. Cầu mong lịch sử sẽ không còn tái diễn dù dưới hình thức nào đi chăng nữa!

Con Đò Đưa Xác - Thanh Thúy - YouTube
Ðể kết thúc bài này, người viết xin gửi tới quý độc giả những câu đầu và câu cuối của bài Con Ðò Ðưa Xác của hai tác giả Ngọc Bích và Nguyễn Văn Ðức sau đây mà quý độc giả có thể mở nghe dễ dàng trên các trang mạng, để thấy những cảm giác thê thảm đến độ ghê rợn của người đương thời:

Gió thổi thì thầm, mưa bay lâm râm.
Ai chở con đò bên dòng sông vắng?
Ai khóc tỉ tê trên dòng trường giang?
Ðò sang ngang, dưới ánh trăng vàng.
Gió thu hiu hắt nức lên từng cơn.
Nặng nề một chiếc thuyền con,
Âm thầm chở mấy vong hồn qua sông. 
Trăng lên, mây tan!
Sao trăng đẹp thế này!
Mà trên sông vắng,
Con đò cay đắng đưa xác người về đâu?
Ô hô! Ô hô! Con ới mười mấy tuổi đầu,
Vì chưng đói rét ngậm sầu thác oan!
.....
Trôi về đâu? Con đò xác!
Lấp vào đâu? Nỗi niềm thương!
Mang mang trong mây tan!
Phiêu linh có một bóng ông già
Tay chèo tay lái,
Lòng buồn tê tái,
Lòng buồn tê tái đem chôn đàn con! 
Trôi về đâu? Con đò xác!
Lấp về đâu? Nỗi niềm thương!


Con Đò Đưa Xác
https://youtu.be/eb_ZbnKktNY

Chuyện Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng Sản, lợi dụng nạn đói tháng 3 năm Ất Dậu, xúi giục các nông dân vô tội nổi loạn cướp phá các kho thóc gạo rồi sau đó theo đảng này cướp chính quyền với những hứa hẹn chia ruộng đất và không còn phải đóng thuế nữa, là một điều dễ hiểu. Ðiều đáng tiếc là người chết không còn sống lại để thấy hiện trạng của đất nước Việt Nam 70 năm sau đó như thế nào.

Phạm Cao Dương
(Tuần lễ tiễn Ông Táo lên chầu Trời, Tết Ất Mùi 2015)
___________________
Chú thích:
(1) Henry, Yves and de Visme, Documents de démographie et riziculture en Indochine. Hanoi: Publication du Bulletin Économique de l1Indochine, 1928, tr. 332 và kế tiếp. Xem thêm cùng tác giả, Économie agricole de l1In dochine. Hanoi: IDEO, 1932; Nguyễn Thế Anh, Into the Maelstrom: Vietnam During the Fateful 1940s. Westminster, CA: Viện Việt Học, 2005, tr. 45, và Phạm Cao Dương, Vietnamese Peasants under French Domination, 1961-1945, Monograph Series No. 24. Lanham, MD: University Press of America, 1985, 125 và Thực Trạng Của Giới Nông Dân Việt Nam Dưới Thời Pháp Thuộc. Saigon: Nhà Sách Khai Trí, 1967, tr.185-186. 
(2) Lãng Nhân, “Lời Người Bán Cám,” trong Ðông Dương Tạp Chí, No. 27, Samedi 13 Novembre 1937, Mục “Chuyện Vô Lý,” tr. 10; Phạm Cao Dương, Thực Trạng của Giới Nông Dân..., tr. 186-187. 
(3) Nguyễn Thế Anh, như trên, tr. 45.
(4) Như trên, tr. 46.
(5) Ðoàn Thêm, Những Ngày Chưa Quên Saigon: Nam Chi Tùng Thư? Ðại Nam tái bản tại Hoa Kỳ, tr. 28 
(6) - như trên, tr. 29.
(7) Ðoàn Thêm,1945-1954, Việc Từng Ngày, Hai mươi Năm Qua. Saigon,?, Los Alamitos, California: Xuân Thu tái bản tại Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 3.
(8) Văn Cao, “Tôi Viết Tiến Quân Ca,” trong Một Chặng Ðường Văn Hóa, Tập Hồi Ức Và Tư Liệu Về Ðề Cương Văn Hóa Của Ðảng Và Ðời Sống Tư Tưởng Văn Nghệ, 1943-1948. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tác Phẩm Mới, 1985, tr. 109.
(9) Văn Cao, “Tôi Viết Tiến Quân Ca,” tr.110-111.
(10) Nguyễn Huy Tưởng. “Nhật Ký Nguyễn Huy Tưởng,” trong Một Chặng Ðường Văn Hóa..., như trên, tr. 125.
(11) Như trên, tr. 129.
(12) Vũ đình Hòe, “Những Ngày Tháng 8 ở Hà Nội,” trong Nguyễn Văn Khoan (Chủ Biên). Tổng Khởi Nghĩa Tháng 8-1945 Tại Hà Nội, Việt Minh Hoàng Diệu. Thành Phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 2001, tr. 255.
(13) Marr, David G, Vienam 1945..., đã dẫn, tr. 104; Tonnesson, Stein. The Vietnamese Revolution of 1945..., đã dẫn, tr. 293.
(14) Devillers, Philippe, Histoire du Vietnam de 1940 à 1952. Paris: Editions du Seuil, 1952, tr. 131
(15) Buttinger, Joseph, Vietnam: A Dragon Embattled. Vol. 1, New York: Praeger, 1967, tr. 240.
(16) Logevall, Fredrik, Embers of War: The Fall of an Empire and the Making of America's Vietnam. New York: Random House, 2012, tr 81.
(17) Woodside, Alexander B. Community and Revolution in Modern Vietnam. Boston: Houghton Mifflin, 1976, tr. 159.
(18) Marr, đã dẫn, tr. 104.
(19) Nguyễn Văn Khoan, Tổng Khởi Nghĩa Tháng 6-1945..., đã dẫn, tr. 37.
(20) Chính Ðạo, Việt Nam Niên Biểu, 1939-1975 (Tập A: 1939-1946, tr. 221.
(21) Ðoàn Thêm, 1945-1954, Việc Từng Ngày... đã dẫn, tr. 6 - 7.
(22) Chính Ðạo, Việt Nam Niên Biểu, đã dẫn, tr. 277. Marr, Vietnam 1945... đã dẫn, tr. 102. Nguyễn Thế Anh, Into the Maelstrom, đã dẫn, tr. 49.
(23) Marr, Vietnam 1945..., đã dẫn, tr. 102-103.
(24) Trần Hữu Ðính và Lê Trung Dũng, Cách Mạng Tháng Tám 1945, Những Sự Kiện Lịch Sử. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia, Viện Sử Học, 2000, tr. 206.
(25) Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn, Hồi Ký Cách Mạng. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn, 1995, tr. 125. 
(26) - như trên, tr. 123.
(27) Vũ Ngự Chiêu, “The Other Side of the Vietnamese Revolution,” đã dẫn, tr. 308.
(28) Trần Huy Liệu và Văn Tạo, Cao Trào Ðấu Tranh Tiền Khởi Nghĩa,” Tài Liệu Tham Khảo Lịch Sử Cách Mạng Cận Ðại Việt Nam, Tập XI. Hà Nội:Nhà Xuất Bản Văn Sử Ðịa, 1957, trang 97 và kế tiếp
(29) - như trên, tr. 103 và kế tiếp.
(30) Vũ Thụy Hoàng, “Ðêm Hà Nội Nổ Súng, Chiến Tranh Việt Pháp bùng nổ 50 năm trước,” Hồi Ký, trong Thế Kỷ 21, Năm Thứ Tám, số 92, December 1996, tr. 35.
(31) Trường Chinh, Cách Mạng Dân Tộc Dân Chủ Nhân Dân Việt-Nam, Tác Phẩm Chọn Lọc, Tập I. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Sự Thật, 1975, tr. 346.
(32) Vũ Ngự Chiêu, “The Other Side of the Vietnamese Revolution,” đã dẫn, tr. 308.


Nguồn: http://www.dienhongthoidai.com/2015/03/ai-gay-ra-nan-oi-nam-at-dau-1945.html



 

Viết từ một người Lính Không Quân VNCH.

 

 photo Noacuten Phi cocircng_zpsnzj1s8lq.jpg

 

Viết từ một người Lính Không Quân VNCH.

 

 

 photo camera.png




Ông Nguyễn Thành Trung,


Thật sự, tôi không muốn viết những dòng này, viết về sự thực của câu chuyện cũ, câu chuyện này được ông kể lại theo cách bịa đặt của ông, nhiều tưởng tượng, có phần cổ xúy cho cá nhân ông, che lấp đi cái thực của ông mà tôi và nhiều người, trải qua một thời gian dài không muốn nói đến nữa, đó là sự phản bội, vong ân cái quá khứ mà ít nhiều gì cái quá khứ này đã nuôi dưỡng, dạy dỗ ông, trong hoàn cảnh côi cút, không nơi nương tựa thuở ấu thơ của ông.

 photo camera.png Bài viết này, không nhằm gửi đến riêng ông, cũng không để đính chính với Mark về những điều lệch lạc, thiếu trung thực của ông đã nói với Mark. Tôi chỉ viết cho đồng đội của tôi, cho đồng bào tôi đọc, riêng cá nhân ông, với luận điệu thiếu trung thực, thêm thắt bịa đặt của ông, trong cuộc nói chuyện với Mark, bài viết này không muốn những con người khoác loác, dối trá với chính mình như ông được đọc nó.

Vào khoảng tháng 04 năm 2000, qua một cuộc phỏng vấn của Mark McDonald, một ký giả Hoa Kỳ đã đến Sài Gòn phỏng vấn ông. Sau khi qua trở lại bên Hoa Kỳ, bài phỏng vấn này đã được đăng rộng rãi trên khắp Hoa Kỳ, cả trên mạng lưới thông tin điện toán toàn cầu. Nội dung bài, phản ảnh đầy đủ tất cả những gì ông đã nói, không thêm bớt sửa chữa (tôi tin điều này bởi ký giả ở các xứ tự do rất ít khi thêm thắt, bịa đặt). Tôi và đồng đội của tôi, đồng bào của tôi, tất cả đều đã xem bài tường thuật này. Không ai thèm trả lời Mark, không ai thèm viết để đính chính với công luận ở đây, hoặc ở Việt Nam, hay bất cứ chỗ nào trên toàn thế giới này, về những điều ông nói thông qua Mark. Chúng tôi và mọi người đều cảm thấy vô bổ, mất thì giờ khi phải tranh luận, hay giải thích bất cứ điều gì với ông và các đồng chí của ông, bởi thật mất công khi phải làm những điều này với những con người không còn biết sự thật, những con người hầu như cả cuộc đời chìm đắm trong u mê tưởng tượng, sống còn và thăng tiến bằng việc ăn gian nói dối, lừa phỉnh với đồng bào, cả với các đồng chí, và với chính bản thân của họ.

Đi thẳng vào bài phỏng vấn được viết lại dưới dạng một loại tự thuật, nhân vật chính là ông. Toàn thể bài tự thuật này có thể tóm gọn lại bằng câu kết luận sau cùng của ông: "Tôi mến các đồng đội của tôi lắm, nhưng tôi không quan tâm gì về những điều họ nghĩ về tôi, việc tôi làm vào những ngày cuối tháng 04 năm 1975 duy nhất chỉ nhằm kết thúc cuộc chiến thê lương nhất của Việt Nam, nhiều sinh mạng hy sinh oan uổng, tôi có bổn phận phải kết thúc cuộc chiến này trong khả năng của mình, đem lại thanh bình cho đồng bào tôi, cũng là một việc làm báo thù cho cái chết của cha tôi bị chính quyền miền Nam sát hại."

Bỏ ra ngoài tất cả những đoạn viết trong bài được trinh thám hóa bằng cuộc đời mai ẩn của ông trong giới học sinh, sinh viên Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi, được ăn học bằng sự nuôi dưỡng của chính quyền VNCH, rồi trà trộn vào hàng ngũ Không Quân VNCH chúng tôi, cuối cùng thi hành những mệnh lệnh của Việt cộng, phản bội lại tất cả những gì được thụ ơn, chịu nghĩa...

Tất cả các đoạn này kể lại không lớp lang thứ tự, nhiều chỗ mang tính cường điệu, anh hùng cá nhân, thậm chí khi kể về công việc chuyên môn của một người lái máy bay, nó cũng sai và thêm thắt, bịa đặt, hoàn toàn không phù hợp với những hiểu biết bình thường của một người biết lái máy bay.

Như đã nói ở trên, tôi chỉ tóm gọn bài tự thuật này bằng phần kết thúc bài nói chuyện của ông với ký giả Mark McDonald, và tôi chia phần này thành hai vế:

Vế thứ nhất: Mục đích của việc ông oanh kích vào Dinh Độc Lập và dẫn dắt những nhân viên phi hành của Việt cộng về không tập Phi Trường Tân Sơn Nhất, theo ông nói là nhằm kết thúc cuộc chiến thê lương nhất của Việt Nam.

Sự thật, như ông và tất cả mọi người đều biết, cuộc chiến ở Việt Nam chẳng kết thúc sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, Việt cộng đã lôi cuốn toàn dân Việt Nam vào một cuộc chiến khác, cuộc chiến mà hậu quả và di hại không kém cuộc chiến ý thức hệ trước đấy. Nhiều trăm ngàn thanh niên Việt Nam, thế hệ đàn em, cả những thế hệ con, cháu chúng ta, tiếp tục bị xô đẩy vào cuộc chiến thê lương, tàn nhẫn này. Đó là cuộc chiến ở các chiến trường Căm Bốt, Lào và cả phần biên thùy phía Bắc, tiếp giáp với Trung cộng. Chứng tích và hậu quả của cuộc chiến tranh này còn rõ rệt đến hôm nay với nhiều nghĩa địa, bạt ngàn bia mộ ở một số huyện lỵ của tỉnh Tây Ninh, Cao Bằng, Hà Tuyên, v. v.. nơi chôn cất thi hài của những thế hệ sau chúng ta đã mạng vong oan uổng. Cả nước đã nhìn ra sự thực của câu nói: "Chiến thắng giặc Mỹ xong, ta sẽ xây dựng đất nước bằng năm, bằng mười ngày nay..." của ai đó, đã lừa phỉnh hoặc trí trá với nhân dân mình, trong đó có cá nhân ông đấy ông Trung ạ!

Hậu quả này còn kéo dài theo từng đoàn thương phế binh của cuộc chiến sau 30 tháng 04 năm 1975, xuất hiện nhan nhản khắp nẻo đường các thành phố lớn, chưa hết! dân Việt Nam chúng tôi còn gánh thêm cái món nợ tiền tệ, khí tài mà Việt cộng đã vay mượn các nước Xã Hội Chủ Nghĩa anh em, để tiến hành giấc mộng bá chủ bán đảo Đông Dương, như Lê Duẩn và bè lũ thường huênh hoang khi còn sống. Cho đến tận hôm nay, hơn 25 năm, sau cuộc chiến quốc - cộng Việt Nam, nhiều chục ngàn thanh niên Việt Nam còn ngủ bờ, ngủ bụi bên Vương quốc Lào, nhiều trăm ngàn thanh niên khác phải gác bỏ chuyện học hành, chuyện phụng dưỡng cha mẹ già, dạy dỗ các em thơ để sung vào bộ đội, tiếp tục cuộc chiến do Việt cộng đang ôm ấp, chờ đợi khởi phát.

Kết luận, những điều trình bày ở vế này là: Chiến tranh ở Việt Nam chưa hề chấm dứt kể từ sau tháng 04, 1975. Ông đã nói láo với Mark, nói không đúng với sự thật của Việt Nam, bóp méo đi sự thực mà ông biết rất rõ.

Việc ông nói láo do tính chủ quan hay khách quan, do chính ông hay do chế độ Việt cộng ra lệnh cho ông, tôi không bàn ở đây.

Vế thứ hai: Trong câu kết luận trong cuộc trao đổi giữa ông với Mark là ông oanh kích vào dinh Độc Lập, và dẫn dắt Việt cộng về oanh kích vào phi trường Tân Sơn Nhất cũng để trả thù cho cái chết của thân phụ ông.

Thân phụ của ông, theo như lời ông giới thiệu khi mở đầu cuộc nói chuyện với Mark, là một du kích Việt cộng. Ông còn khoe là có đâu đó vài người anh trai cũng là du kích Việt cộng. Ở vế này, tôi phải dài dòng về thân phụ của ông trong vai trò du kích quân Việt cộng.

Trước đây, nhân dân Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi biết rõ và cũng từng chứng kiến những vụ ám sát, thủ tiêu, khủng bố đẫm máu, của du kích Việt cộng nhắm và hàng ngũ viên chức chính phủ, quân nhân của Việt Nam Cộng Hòa, và cả những người dân lành vô tội. Đó là các vụ đặt chất nổ trong thành phố, gài mìn trên quốc lộ, đánh phá các Ấp Chiến Lược, và cao điểm của các hành động khát máu này là việc du kích Việt cộng tấn công vào rất nhiều bệnh viện ở các làng xã xa xôi, cướp bóc thuốc men, y cụ, đốt phá nhà thờ, chùa chiền....

Sau này, quy mô tàn sát của Việt cộng to lớn và tàn ác hơn qua những hố chôn người tập thể ở Huế vào Tết Mậu Thân, pháo kích vào các thành phố, pháo kích cả vào các trường tiểu học, v. v... Còn nhiều vụ việc nữa nhưng vì khuôn khổ hạn hẹp của bài viết này, tôi không thể kể hết ra được. Tất cả những hành động tàn ác này, Việt cộng và cụ thể là các tầng lớp du kích, nằm vùng, sớm đầu, tối đánh như thân phụ của ông, đã gây ra trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa của chúng tôi.

Trước những hành động khát máu, mang tính phá hoại sự an ninh và thanh bình của Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi, không cần phải là một thanh niên, dẫu chỉ là một người bình thường nào nhất trong một đất nước đang xây dựng và phát triển, ai cũng cảm thấy cần phải làm một cái gì để ngăn chặn những hành động sát nhân, phá hoại man rợ, thiếu tính người này, đồng thời để bảo vệ an ninh tối thiểu cho đồng bào, lương dân vô tội, bảo vệ các thành quả y tế, giáo dục, kinh tế, v. v... của đất nước có luật pháp và hiến pháp mà mình đang sống.

Do vậy, việc thân phụ ông phải đền tội do các tội ác mà ông ấy gây ra, như lời ông thuật lại, công bình mà xét, không có gì là quá đáng.

Tuy nhiên, ông có nói thêm, thân phụ ông bị xử bắn ngay trước mặt thân mẫu và chị em gì đó của ông, sau đấy những người xử bắn còn kéo lê xác của thân phụ ông trên những con đường mòn của tỉnh Bến Tre... Tôi e rằng ông cường điệu và thêm thắt tình tiết việc này.

Dẫu sao, việc xử bắn những người gây tội ác vớI lương dân vô tội, phá rối trị an của Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi là việc cần làm trong một quốc gia có luật pháp và hiến pháp, điều này không cần bàn cãi thêm, cũng ví như dưới chế độ Việt cộng hiện nay, nhiều người bị xử bắn vì vi phạm những điều quy định do đảng Việt cộng ban hành.

Việc cần xem xét và phân tích để xác định những điều ông thêm thắt, tăng cường tính chất tàn ác của những người xử bắn thân phụ ông, mà thâm ý của ông muốn gán ghép cho cả chế độ và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi trước công luận, thông qua một anh ký giả nước ngoài. Chúng ta cùng xem xét và luận bàn việc này.

Ông từng được ăn học dưới chế độ của chúng tôi, ông khoe với Mark, ông từng là sinh viên Đại Học Khoa Học Sài Gòn, thiết tưởng ít nhiều gì, ông cũng biết chút ít về pháp luật và hiến pháp của VNCH chúng tôi. Việc xử bắn một tội phạm nguy hiểm nào đấy, luôn luôn được thi hành theo luật pháp và hiến pháp đương thời, tiểu đội hành quyết, sau khi thi hành xong bản án, họ thường thông báo cho thân nhân của tội phạm đến để nhận thi hài của tội phạm về an táng. Trong trường hợp, không ai thừa nhận thi hài của tội phạm (cụ thể là trường hợp của thân phụ ông đấy), chính quyền sẽ tiến hành mai táng theo thủ tục bình thường, một phần vì luật pháp đã quy định, một phần để bảo đảm vệ sinh môi trường chung quanh. Những công việc này, thật sự được chu tất bởi tính pháp trị của một đất nước có hiến pháp và luật pháp.

Không một cá nhân, tổ chức nào được quyền xâm phạm vào thi thể của tội phạm, cho dẫu kẻ tội phạm ấy khi còn sống, gây ra nhiều tội ác man rợ, gây nợ máu vớI nhiều người, như thân phụ của ông. Việc ông mô tả là ai đấy, đã lôi kéo xác của cha ông trên các con đường đất ở tỉnh Kiến Hòa năm xưa, xem ra không mang tính trung thực.

Nếu có ai đó, vì căm hơn thân phụ của ông, lúc sinh thờI từng hãm hiếp vợ con của họ, ám sát thủ tiêu thân nhân của họ, gài mìn các chuyến xe đò, đặt chất nổ ở chợ búa, gây tử thương cho thân nhân đồng bào của họ, họ cũng chỉ oán hận cho đến khi pháp luật xử bắn cha ông là xong, chẳng ai có thì giờ để làm thêm cái việc vô ích, mất v sinh là lôi kéo cái xác bị bắn kia lê thê trên đường đất đâu đó. Hơn nữa, cơ quan pháp luật, nơi ban hành bản án tử hình cha ông, chắc chắn sẽ không dung tha cho những người làm các việc này đâu. Không phải vì họ thương xót gì thân phận của một gã du kích hèn nhát, khát máu kia đâu, duy nhất bởi luật pháp không cho phép ai được làm như vậy.

Còn việc ông cứ khư khư, cùng luận điệu như các đồng chí của ông, phủ nhận hiến pháp và luật pháp của Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi, gán ghép các việc làm không có kia cho chế độ và chính quyền chúng tôi, thì quả ông và các đồng chí của ông có lệch lạc tư tưởng, mất lập trường khi nói lên điều đó.

Tại sao để có thể kết luận cái lập trường chao đảo của ông và các đồng chí của ông qua việc các ông phủ nhận hiến pháp và luật pháp của VNCH chúng tôi? Đơn giản thôi, vì thật sự một đất nước vô hiến pháp, vô luật pháp, muốn bắn ai thì bắn, bắn xong muốn lôi kéo xác tội phạm đi đâu, làm gì thì làm, thì thật sự đó là một đất nước hỗn loạn, vô trật tự, vô tổ chức. Một đất nước như vậy, quân đội Việt cộng phải hy sinh trên một triệu sinh mạng, mất một thời gian trên 20 năm, vay mượn các nước "Xã Hội Chủ Nghĩa anh em" tiền tỉ tỉ để mua vũ khí và quân dụng, mới triệt hạ được thì e rằng cái quân đội Việt cộng kia quả bạc nhược và cái chiến thắng mà chúng có được là do cơ may, hên xui, chứ làm gì còn quân đội anh hùng, chiến thắng nghiêng trời lở đất như Bộ Chính Trị của ông thường rêu rao.

Trong thời gian chúng tôi bị cầm giữ ở các trại tù cải tạo, có một vài đồng đội tôi vì không kham nổi sự cơ cực, đói rét, họ vượt ngục; công an, bộ đội truy lùng, đuổi theo và bắt lại được, trước khi sát hại anh em đồng đội chúng tôi, lũ người này đánh đấm, làm tất cả những gì có thể nói là tận cùng của sự dã man.

Sau khi bắn đồng đội chúng tôi xong, họ không chôn cất như chúng tôi đã làm với thân phụ của ông, chúng tôi tự nhặt nhạnh thi thể của đồng đội, bó vào trong các bao bố bằng ny lông, dùng để đựng phân bón, chúng tôi cáng thi thể đồng đội chúng tôi trên một cái ky dùng để khiêng đất hàng ngày, đi chôn.

Chúng tôi chẳng cần phải kể với Mark, hoặc kể lại với thân nhân, vợ con của đồng đội chúng tôi về những hành động này của người Việt cộng các ông, bởi chúng tôi chấp nhận sự trả thù tán tận lương tâm này của chúng, và tự xem cái chết của cá nhân mình, của đồng đội mình là sự hy sinh cần có cho chính thể và đồng bào Việt Nam Cộng Hòa của chúng tôi.

Cứ bình tâm mà suy xét, ngay chính bản thân của ông, khi dẫn dắt Việt cộng vào oanh kích phi trường Tân Sơn Nhất, thù ấy kể như đã trả xong, nhưng Việt cộng thì không dừng lại ở đấy, việc đày đọa các Quân Cán chính của VNCH trong các trại tập trung, cứ xem như để trả thêm mối thù cho cái chết của thân phụ ông, thế còn việc nhiều đồng bào vô tội khác, quanh năm họ chỉ buôn bán, làm việc bình thường như bao người bình thường khác trên thế giới, phút chốc mất nghiệp, mất nhà cửa, ruộng đất, công ăn việc làm, mất tất cả những gì của cuộc sống bình thường mà trước đấy, chúng tôI chiến đấu bảo vệ cho họ. Nhiều thanh thiếu niên khác của miền Nam Việt Nam chúng tôi, phút chốc họ bị lôi ra khỏi gia đình, học đường, lôi khỏi tuổi Xuân, để bị xô đẩy vào các lò lửa chiến cuộc do Việt cộng chủ xướng... Chẳng lẽ cũng vì cái chết của thân phụ ông mà Việt cộng ưu ái trả thù cho ông chăng?

Ngay lúc này, khi những dòng này đang viết, Tổ Chức Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc có đưa ra các báo cáo trước công luận thế giới về mức độ lợi dụng trẻ em tuổi vị thành niên trong lao động và sản xuất của Việt Nam, và còn phải kể đến việc không ít các em trở thành phương tiện mua dâm của những con dã thú đến từ Hương Cảng, Mã Lai, và nhiều nước khác nữa khi đến Việt Nam du lịch, hẳn các em bé ngây thơ vô tội này cũng đón nhận mối thù của ông thanh toán cho cái chết của thân phụ ông? Rộng lớn hơn, hẳn tất cả đồng bào Việt Nam từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau đang đói rét, lầm than, tha phương cầu thực ngay trên chính quê hương xứ sở của mình, bị các tầng lớp công an, viên chức Việt cộng hà hiếp, đàn áp, bóc lột, họ bị như vậy vì cái mối thù của ông hẳn?

Chúng tôi, những người vì lý do này hay vì lý do khác, tất cả đều phải bỏ Việt Nam ra đi, chúng tôi có những mối thâm thù với Việt cộng, hầu hết những người Việt Nam ở hải ngoại hiện nay, đều có người thân bị tử vong vì sự trả thù cuồng dại của Việt cộng, nếu không thì cũng phải tiêu gia, bại sản vì bè lũ tay sai, cướp bóc, tịch thu tài sản, nhà cửa, đất đai, ruộng vườn... và rất nhiều anh em chúng tôi tự các trại tập trung trở về với gia đình, xã hội, chúng tôi ghi nhớ mối thâm thù này đến chết. Nhưng, khi đất nước bị thiên tai, lũ lụt, đồng bào lâm cảnh màn trời chiếu đất, chúng tôi không nghĩ đến mối thâm thù này, chúng tôi tự quyên góp, vận động để gửi về Việt Nam những đồng tiền có được bằng mồ hôi, nước mắt trên đất khách, quê người, để mong xoa dịu phần nào nỗi thống khổ đã triền miên nhiều đời trên dân tôi, nước tôi.

Chúng tôi biết, và biết rất rõ, trong những bàn tay ngửa ra nhận những ân tình của chúng tôi chuyển về, có cả những bàn tay của những kẻ năm xưa đã thẳng tay sát hại cha mẹ, anh em, thân nhân, đồng đội chúng tôi, có cả những bàn tay đã từng cướp sạch tiền của, nhà đất, ruộng nương, cùng công ăn việc làm thường nhật của chúng tôi... Chúng tôi cũng biết thật rõ, không ít người trong hàng ngũ đồng chí của ông sẽ ăn chặn, bớt xén những đồng tiền mồ hôi nước mắt của chúng tôi gửi cho đồng bào các vùng thiên tai, bão lụt, và chúng tôi cũng biết thật rõ những đồng chí các ông hiện nay, bây giờ, ăn nhậu, tiệc tùng sang trọng hơn chúng tôi rất xa, có những đồng chí của ông hiện đang có con em theo đuổi các Đại Học đắt tiền trên Hoa Kỳ mà chính bản thân con em chúng tôi đang ở Hoa Kỳ, hàng mơ ước, mong đợi...

Chúng tôi biết rất rõ, nhưng chúng tôi vẫn phải làm, vẫn phải dè sẻn mức chi dụng để thi hành cái bổn phận, cái tính người kia.

Cái tính người này, chúng tôi được học hành và dạy dỗ tự bé ở VNCH ông Trung ạ. Dẫu ly tông xa tổ, chúng tôI vẫn gìn giữ, bởi chúng tôi ý thức một điều, đánh mất cái này, tức là trở thành thú vật, là trâu, chó, là heo, ngựa, v. v.. Ông cũng từng được hấp thụ nền giáo dục này của Việit Nam Cộng Hòa chúng tôi, trong vòng tay bảo vệ của chúng tôi năm xưa, ông không phải gọi kẻ xa lạ nào đấy bằng Bác khi còn tấm bé, ông cũng không phải quên công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy để ghi nhớ cho cái công ơn bố láo của Đảng gì đó, của Bác gì gì đó, cho đến ngày ông phản bội chúng tôi.

Ngay cả đến phút cuối, khi ông mờ mắt vì những hứa hẹn hão huyền của Việt cộng, để làm cái chuyện nông nỗi năm xưa, hẳn ông vẫn chưa quên? Lúc ấy, ông đã bỏ vợ, bỏ con lại trong vòng tay của chúng tôi, thi hành cái mệnh lệnh của Việt cộng mà như ông đã nói với Mark là đã được bàn thảo, kế hoạch rất kỹ trước đấy. Ông dẫn dắt Việt cộng trở về oanh kích nơi đang cưu mang vợ con ông. Giả dụ, một quả bom oan nghiệt nào đấy vô tình giết hại vợ con ông trong vòng tay của chúng tôi, hẳn ông sẽ có thêm chuyện bịa đặt, thêm thắt nữa về những cái tính người của chúng tôi cư xử với kẻ phản bội, kẻ phản quốc, tên tội phạm nghiêm trọng?

Nhiều năm trôi qua, ông có nghĩ đến việc này không? Suốt 25 năm qua, có lúc nào ông tự hỏi - tại sao khi ông liều mình thi hành mệnh lệnh của Việt cộng, để Việt cộng lại có thể nhẫn tâm, bỏ vợ con lại trong vòng tay của chúng tôi không? Việt cộng và hàng ngũ nằm vùng, du kích không ít trong lãnh thổ của chúng tôi, tại sao chúng không đem vợ con ông ra mật khu trước, để ông được yên tâm thi hành cái việc làm do chúng chỉ thị? Thử một lúc bình tâm nào đó, suy nghĩ chín chắn về điều nay theo cái nhìn trung thực nhất của người bình thường xem sao?

Rất là vô ích khi kể lể điều này với ông, nhưng vẫn phải nhắc đến, viết lại, vì đây là cái tính người, bình thường như bao tính người khác mà ông và các đồng chí của ông chưa từng biết, chưa từng làm được, chưa từng ao ước vươn đến.

Còn nếu, ông xem việc bỏ vợ con lại cho chúng tôi để tích cực thi hành nhiệm vụ. Việt cộng giao cho ông, là chuyện chuyên chính vô sản, thì quả là ông cũng đạt đến được cái đích vô gia đình của Việt cộng trước khi quay đầu về với chúng. Riêng cá nhân tôi, tôi nghĩ, trong thâm tâm của ông, lúc ông quyết định thực hiện cáI ý đồ riêng tư nọ, ông đã chắc ăn là quân chủng Không Quân Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi biết tôn trọng, luật pháp và hiến pháp của đất nước mình, chúng tôi hành xử công việc theo tinh thần thượng tôn luật pháp, không bao giờ tiểu nhân, trả thù ông bằng cách đày đọa vợ con ông, bắt vợ con ông đi vùng kinh tế mới để cưỡng đoạt nhà cửa, ruộng vườn, tư liệu sản xuất, nhà máy, công ăn việc làm, như Việt cộng từng làm với vợ con chúng tôi, do vậy, do chắc ăn như vậy, ông mới dám để vợ con lại thủ đô Sài Gòn an toàn hơn là cưu mang về vùng giải phóng của các đồng chí của ông...

Kết luận cho đoạn viết dài dòng này, điều ông tường thuật với Mark về cái chết của thân phụ ông cũng thiếu trung thực, thêm thắt, chính xác hơn là tuyên truyền, ngụy biện cho hành động của ông đã làm vào những ngày tháng 04 năm 1975.

Hôm nay, khi viết những dòng này, tôi vẫn còn uất hận, nhiều đồng bào tôi, đồng đội tôi không thể quên kẻ thù và những tội ác của chúng, nhưng chúng tôi phải nén nỗi uất hận này trước hoàn cảnh tang thương tang tóc của nhiều đồng bào chúng tôi đang màn trời, chiếu đất, đang vô vọng trước cảnh đói rét chưa từng trong đời, chúng tôi tạm nguôi nỗi uất hận, sự căm thù để nghĩ về đồng bào chúng tôi.

Chúng tôi thừa biết ông và các đồng chí của ông đang mỉm cười đắc chí vì đạt được những mưu đồ đã sắp đặt, và nhiều đồng chí của ông, đôi khi cả chính bản thân ông đang ký sinh vào những ân tình của chúng tôi gửi về cho các đồng bào khốn khổ này!

Chúng tôi vẫn phải làm!

Bởi như đã nói, chúng tôi không thể mất đi cái tính người mà chúng tôi được nuôi dạy từ trong nước. Bài viết này muộn màng so với thời điểm mà ông trình bày quan điểm lập trường của ông với một phóng viên Mỹ. Nhưng tôi vẫn viết, không để tranh luận hơn thua với những điều ông nói với Mark, lại chẳng cần phải thanh minh gì với công luận về những điều này, duy chỉ trình bày một điều thực, việc thực, con người thực từ những những chuyện thực, thuộc thiên niên kỷ trước.

Tôi cũng không e ngại việc ông và các đồng chí của ông sẽ bóp méo lịch sử Việt Nam như nhiều người thường lo ngại, bởi tôi tin một điều, những con người trí trá, gian dối, lừa thầy phản bạn, những kẻ này thường hay sợ sự thực, sợ đối diện với sự thực, mà lịch sử luôn luôn là sự thực, việc thực, người thực, do vậy, ông và các đồng chí của ông làm sao có thể bóp méo được lịch sử.

Ông cũng đừng lo là về sau này, nếu chúng tôi có giành lại được chính quyền ở Việt Nam, chúng tôi sẽ không bắt ông đi trình diện, để sau đó gửi ông vào một trại tập trung xa xôi hẻo lánh nào đó, nơi đó ông sẽ bị bỏ đói, bị lao động khổ sai, chết dần, chết mòn như Việt cộng đã làm với tôi, với anh em đồng đội chúng tôI khi chúng cướp được, VNCH chúng tôi, chúng tôi sẽ không làm như Việt cộng đã làm, để trả thù việc ông phản bội chúng tôi đâu. Chúng tôi không quan tâm gì mấy về cái việc nông nỗi, trí trá của ông đâu, vì bởi như tôi đã nói, chúng tôi phải bảo vệ cái tính người sẵn có của chúng tôi.

Còn một điểm nhỏ, tôi cần nói thêm với ông, trong đoạn cuối của bài tường thuật với Mark, ông gọi chúng tôi là đồng đội! Tôi e rằng ông đi hơi xa và quá hấp tấp để dùng chữ đồng đội này. Nhắc ông nhớ một điều, hai chữ ‘đồng đội’ và ‘đồng chí’ khác nhau xa lắm ông Trung ạ! Ông từng có thời gian đứng trong hàng ngũ chúng tôi, chắc ông ắt hiểu cái ý nghĩa cao quý của chữ đồng đội. Nhiều anh em chúng tôi từng hiên ngang bước tới, nhận lãnh cái oan nghiệt của chiến tranh thay cho chúng tôi, vì cái ý nghĩa đồng đội này. Cho mãi đến hôm nay, chúng tôi vẫn gọi nhau là đồng đội, dẫu chúng tôi bước ra khỏi cái tử sinh của chinh chiến, vì chúng tôi nặng nợ với nhau, thật sự là đồng đội của nhau, cùng nhau nhìn về một hướng, cùng phong cách khi còn sống, thật sự thương xót, đau đớn khi nhìn đồng đội mình còn bị giặc cầm giữ, hành hạ, thảm sát. Chúng tôi biết nhục nhã, hổ thẹn khi vì bất cứ lý do gì, quay lưng đi trước sự đau khổ của đồng đội, phản bội lại đồng đội. Giữa chúng tôi, chưa hề có đồng đội nào chạy sang phía Việt cộng, dẫn dắt, chỉ bảo Việt cộng cách thức, đường lối để đày đọa, tàn sát đồng đội mình. Chữ đồng đội ý nghĩa như vậy ông Trung ạ! Khác xa lắm cái chữ đồng chí mà ông và một số kẻ khác đang dùng.

Nói như vậy, thật sự cũng không phải tranh luận đúng sai gì với ông, chỉ để ông và tôi cùng nhìn lại, hiểu đúng về một vài ngôn từ Việt Nam. Dầu sao, ông vẫn có thể sử dụng lại cái chữ đồng đội mà ông nói, một khi ông làm được những điều vừa nói trên. Không cần ông phải lấy cắp một chiếc Mig 21 nào đó, vất một hai quả bom vào chỗ làm việc của Trung Ương đảng Việt cộng, chúng tôi cũng không cần ông chỉ bảo cách thức bay Mig 21 để được ông hướng dẫn bay ra phi trường Kép, hay Nội Bài, hoặc Tân Sơn Nhất hiện nay, để oanh kích những mục tiêu này; Ông không cần thiết phải làm những việc này ông Trung ạ! Chỉ hiểu đúng, và thực hiện đúng cái nghĩa đồng đội như tôi dẫn ở trên là đủ.

 photo camera.png Để kết thúc bài viết này, tôi lập lại một lần nữa, bài này dành cho những người trung thực, chỉ biết nói điều thực đọc nó, rất tiếc, ông đã đánh mất cái tính người này kể từ ngày ông phản bội chúng tôi, chạy theo Việt công, do đó ông không còn tư cách gì để đọc nó, dẫu ngay trên đầu bài viết này, đề tên của ông: Nguyễn Thành Trung, tuy nhiên như ông đã nói với Mark, cái tên này cũng không thực là của ông, mà là tên của một thanh thiếu niên nào đó, ông lấy giấy tờ hộ tịch của người này để len lỏi vào hàng ngũ chúng tôi, thực hiện việc riêng tư của ông.

Điều lẩn quẩn này ông cũng không xa lạ gì, vì chính cái tên Hồ Chí Minh mà hiện nay, ông và một số người khác đang ca tụng, sùng bái, thật sự là tên của một lão già Trung Hoa nào đó bị ho lao, chết vô thừa nhận trong một bệnh viện hẻo lánh bên Trung Hoa lục địa lâu lắm rồi, ai đấy đã lấy giấy tờ hộ tịch của lão này sử dụng lại, để làm việc gì đấy, để đến hôm nay, ông và một số kẻ khác tung hô, ngưỡng mộ cái tên Hồ Chí Minh Trung Hoa lục địa này! Cũng như các tên Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Mai Chí Thọ, Đinh Đức Thiện, Đỗ Mười, Tố Hữu, Phạm Hùng, Mai Thị Lựu, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định, Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng v. v.. tất cả đều là tên của một kẻ vô danh tiểu tốt nào đó, không hề có lai lịch, gốc gác hộ tịch trong Việt Nam, để hôm nay, có một số người nhắc nhớ, tưởng niệm, suy tôn. Điều tiếu lâm này, những người Không Quân trên toàn thế giới này lấy làm xa lạ, nực cười, trừ ông và các đồng chí của ông ra.

Một người Lính Không Quân VNCH.

http://khaiphong.org/showthread.php?6202-Con-c%26%237911%3Ba-phi-c%F4ng-n%E9m-bom-dinh-%26%23272%3B%26%237897%3Bc-L%26%237853%3Bp-t%26%237921%3B-s%E1t

 photo camera.png






 

*******************************************************************

 

 

 

 photo camera.png
 photo camera.png




      Lời Nguyễn Thành Trung, kẻ ném bom Dinh Độc Lập.


      <... thời gian sống trong đội ngũ không lực Sài Gòn cho tôi một niềm tin rằng vợ tôi, một người phụ nữ không liên quan gì đến công việc của tôi, con tôi còn quá nhỏ (đứa lớn mới 5 tuổi, đứa nhỏ chưa tròn năm) sẽ không bị đối xử một cách tàn nhẫn.
      Thực tế diễn ra đúng như tôi dự đoán...>

      Chính kẻ phản bội và đi theo VC đã cho mọi người thấy cách hành xử của VNCH bao dung và nhân đạo thế nào. Cũng chính vì tính nhân bản, đạo đức và bao dung này mà VC đã lợi dụng và chơi những trò đê hèn nên người quân tử thường bị tiểu nhân đánh lén, hãm hại là vậy.

      Xin xem bài phỏng vẫn sau đây: (Xin dính chính, HL không hoàn toàn đồng ý với tác giả bài viết. HL Chỉ tình cờ đọc được và thấy chính lời của một tội đồ đã tin tưởng VNCH sẽ không đối xử tàn nhẫn với vợ con ông ta nên đã cố tình chọn để vợ con ở lại chỗ cũ mà không tìm cách đưa vợ con đi lánh nạn trước khi ném bom dinh Độc Lập)< ...Thực tế diễn ra đúng như tôi dự đoán...> (Lời kẻ phản bội).

      VC thì thế nào? Họ đã đối xử với các sĩ quan VNCH sau cuộc chiến ra sao? Tù đày, ăn uống thiếu thốn, lao động khổ sai, cùm chân, biệt giam... Ông nào đi tù VC về cũng chỉ còn da bọc xương. Đáng nói là một số đã chết rục trong tù vì thiếu thốn, bệnh tật. Nguyễn Thành Trung và vợ con ông ta thì sao??

      < ...Cánh an ninh không quân đưa xe đến nhà bắt vợ con tôi. Vợ tôi phản đối vì mình không biết gì về công việc của chồng. Họ từ tốn: “thưa bà, chúng tôi không bắt bà (nếu bắt chúng tôi đã dùng còng số 8, trói bà chẳng hạn), chúng tôi tới đây mời bà vào phòng an ninh sư đoàn, với trách nhiệm bảo vệ sự an toàn tính mạng của bà và các con bà…>

      < …Nếu bà có tài sản quý giá nào thì bà cứ mang theo”...> (Lời kẻ phản bội)

      < ...họ vẫn điều tra vợ tôi về những gì liên quan đến tôi, nhưng không bị đối xử vô nhân đạo...> (Lời kẻ phản bội).

      < ... đó là những người có học và biết cách ứng xử một cách văn hoá với người thân của kẻ thù...> (Lời kẻ phản bội).

      VC thì đã đối xử với các sĩ quan VNCH ra sao?
      Vậy mà giờ đây vẫn còn kẻ ca ngợi, bênh vực chính sách của Việt cộng!!!



      Bai viet:
      SỐ PHẬN CỦA MỘT KẺ PHẢN BỘI


      Photo:


      Mai Tú Ân


      VNCH đã đối xử rất nhân đạo với Đinh Khắc Chung tức Nguyễn Thành Trung ngay cả sau khi ông ta ném bom Dinh Độc Lập. Nhưng ông trời thì không nhân đạo như thế. Ông trời đã bắt Trung trả giá bằng luật nhân quả.

      Sau đây trả là phỏng vấn của Nguyễn Thành Trung sau khi ném bom Dinh Độc Lập:

      - "Trước khi ném bom dinh Độc Lập ngày 8.4.1975, lãnh đạo đề nghị đưa vợ con tôi ra vùng 'giải phóng' để tôi yên tâm làm nhiệm vụ. Nhưng lúc đó, tôi bị nghi kỵ nhiều, nguy cơ bị lộ rất cao nên chuyện đó là không thể. An ninh quân đội theo sát gia đình tôi từng giờ, nếu vợ con tôi vắng nhà không rõ lý do thì tôi sẽ bị bắt ngay tức khắc. Cũng có thể trên đường ra vùng giải phóng, vợ con tôi cũng sẽ bị bắt, tình thế đó sẽ nghiêm trọng hơn. Rất lo lắng cho tính mạng vợ con, nhưng việc mà tôi đã tính trước 10 năm đến thời điểm này là không thể dừng. Mặt khác, thời gian sống trong đội ngũ không lực Sài Gòn cho tôi một niềm tin rằng vợ tôi, một người phụ nữ không liên quan gì đến công việc của tôi, con tôi còn quá nhỏ (đứa lớn mới 5 tuổi, đứa nhỏ chưa tròn năm) sẽ không bị đối xử một cách tàn nhẫn.

      Thực tế diễn ra đúng như tôi dự đoán. Cánh an ninh không quân đưa xe đến nhà bắt vợ con tôi. Vợ tôi phản đối vì mình không biết gì về công việc của chồng. Họ từ tốn: “Thưa bà, chúng tôi không bắt bà (nếu bắt chúng tôi đã dùng còng số 8, trói bà chẳng hạn), chúng tôi tới đây mời bà vào phòng an ninh sư đoàn, với trách nhiệm bảo vệ sự an toàn tính mạng của bà và các con bà. Nếu bà có tài sản quý giá nào thì bà cứ mang theo”. Một tuần sau vợ và con tôi bị đưa từ Biên Hòa về số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Sài Gòn cho đến ngày 30.4.1975. Đương nhiên, họ vẫn điều tra vợ tôi về những gì liên quan đến tôi, nhưng không bị đối xử vô nhân đạo. Có thể đó là những người có học và biết cách ứng xử một cách văn hóa với người thân của kẻ thù. Trong thời gian vợ tôi bị giam ở số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm, trung tướng không quân Trần Văn Minh đến thăm với tư cách người chỉ huy có một người lính phản chiến. Ông ấy hỏi vợ tôi có cần bạn bè, người thân đến chuyện trò gì không hay cần mua sắm gì thì ông sẽ giúp đỡ."

      http://www.chinhluanvn.com/…/ai-ta-nguyen-thanh-trung-vo-co…

      Luật Nhân Quả dành cho kẻ phản bội Nguyễn Thành Trung...

      Đã một năm rồi, Nguyễn Thành Danh, sinh năm 1977 con trai của phi công nổi tiếng Nguyễn Thành Trung đã treo cổ tự tử chết vì những lý do không ai biết. Thật đáng tiếc vì anh này cũng là một phi công, vừa lập gia đình và có một con nhỏ.

      "Lá vàng khóc hận lá xanh rời cành"

      Bầu trời trong xanh bỗng như sụp đổ. Đau lòng lắm khi tương lai của Nguyễn Thành Danh cũng sụp đổ. Nhưng tại sao anh lại bị ông Trời kêu tên khi tuổi đời còn quá trẻ.

      Than ôi. Chỉ vì cái tên anh đã gắn với cái tên mà không mấy người Việt Nam không biết. Anh chính là con trai của phi công Nguyễn Thành Trung. Chỉ vì cùng tên tuổi và cùng tình ruột thịt máu mủ với người cha độc ác trên mà ông Trời đã gọi tên? Người thì tin điều này, người thì không nhưng nếu nói về luật nhân quả thì trăm phần trăm đều tin rằng Nguyễn Thành Danh đang trả nợ cho cha anh, Nguyễn Thành Trung. Và việc anh treo cổ, tìm đến cái chết cũng chính là chịu không nổi áp lực khi nhìn thấy đống nợ cha mình để lại nó lớn đến nhường nào.

      Cha của anh, phi công Nguyễn Thành Trung, "Kẻ Phản Bội Thành Đạt" thì chẳng qua là một sĩ quan quân lực VNCH, phản chủ khi thấy con thuyền VNCH sắp đắm. Anh ta có thể lái máy bay bỏ trốn đi nhưng là một tay cơ hội sư tổ, anh ta đã lái máy bay ném bom vào Dinh Độc Lập để lấy điểm rồi bay sang đầu hàng quân miền Bắc. Cũng may mắn cho anh ta là quân đội miền Bắc đang cần một hướng dẫn viên lái máy bay A.37 ở phi trường Phan Rang đã bị chiếm. Rồi anh ta tham gia cuộc chơi của một kẻ phản bội tầm cỡ. Với tầm cỡ như thế thì anh ta xứng đáng được tặng thưởng nhưng không lẽ tặng thưởng anh hùng cho một tên phản chủ. Thế là các nhà tạo tác lịch sử Đảng vào cuộc và biến gia đình anh ta thành một thứ Cách Mạng (VC) ba đời. Còn anh ta thì thành một thứ tình báo chiến lược, cài cắm sang cả Mỹ...

      Nhưng rồi do một sự nhầm lẫn lịch sử, một sự trớ trêu của ông Tạo Hóa sáng nắng chiều mưa, hay một thời ngáo đá của cả họ nhà ông Trời mà Nguyễn Thành Trung đứng vững trước cú phản có một không hai đó và cứ phơi phới đi lên. Trong khi đáng ra anh ta phải chết vài lần, ở tù 1,000 năm và học tập cải tạo 10,000 năm thì mới xứng đáng với những gì anh ta đã làm. Trong thời gian hơn 40 năm thì anh ta đã được phong làm Anh Hùng, rồi lái máy bay chuyên cơ cho thủ tướng lúc đó là ông Phan Văn Khải, rồi tiếp đó là lái máy bay riêng cho tay tỷ phú Đoàn Nguyên Đức, Hoàng Anh Gia Lai mà chẳng hề gặp tai nạn nào như rơi máy bay chẳng hạn. Rồi cứ thế đi lên. Mấy chục năm nay ông ta đã sống sung sướng tột đỉnh như bay mãi trên bầu trời...

      Nhưng không lẽ không còn Trời, Đất hay đạo đức nữa hay sao mà ông ta cứ sống mãi trong một sự nghiệp không phải giành cho một kẻ phản bội được. Và đến tận bây giờ thì Luật pháp của trời đất đã được thực hiện qua cái chết của con trai ông ta. Và mới chỉ bắt đầu.

      Giờ đây thì Trời bắt ông ta phải sống để nhìn thấy tất cả những thứ ông gây dựng sụp đổ. Đầu tiên là đứa con trai yêu quí, và chắc chắn không phải tai họa cuối cùng đến với ông ta. Ông ta phải nhìn, ông phải sống để cho người dân chúng tôi nhìn thấy để biết rằng vẫn có thứ Luật còn cao hơn Luật Pháp. Đó là Luật Nhân Quả,

      Đời Cha ăn mặn đời con khát nước. Chính ông đã gây nên tội ác trong qúa khứ thì giờ đây ông phải sống trong sự phán xét, sự khinh bỉ của người dân chúng tôi cho đến muôn đời. Nếu ai đó còn có chút suy nghĩ tích cực về phi công Nguyễn Thành Trung thì hãy nghĩ thêm về những người VNCH đã điêu đứng như thế nào khi bị ông Trung này phản bội. Đó là luật Nhân Quả, rõ ràng và không thể trốn đi đâu được. Người viết bài này (MTA) không liên quan đến VNCH mà cũng đau nhói, uất ức khi cứ vẩn vơ cái suy nghĩ rằng, một quốc gia đang sống chết trong cơn sụp đổ cuối cùng mà lại bị một thành viên ưu tú trong đó đạp đổ cho chết luôn.

      Đừng trách ai đao kiếm vô tình khi mình súc sanh!

      Bởi sự phản bội là không thể tha thứ, muôn đời không tha thứ.
      Mai Tú Ân

      Hoang Lan






 

Điền Chủ Bị Đấu Tố và Chôn Sống Trong Thời Cải Cách Ruộng Đất

 



Điền Chủ Bị Đấu Tố và Chôn Sống
Trong Thời Cải Cách Ruộng Đất


Định mệnh đưa đẩy, dắt tôi đến với một phụ nữ khác, sống cùng tôi cho đến tận bây giờ. Cô tên Phạm Thị Nhu, cũng là phụ nữ có tâm hồn sâu sắc. Cô vốn là một nạn nhân của chiến dịch cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ năm 1954, 1955.

Lúc đó tôi còn là chính trị viên của tiểu đoàn, tôi thấy tận mắt những chuyện đấu tố. Là người có học, lại có tâm hồn nghệ sĩ nên tôi cảm thấy chán nản quá, không còn hăng hái nữa. Thú thật, lúc đó tôi thất vọng vô cùng. Trong một xã thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách xa nơi tôi ở 15 cây số, có một gia đình địa chủ rất giàu, nắm trong gần năm trăm mẫu tư điền.

Trước đây, ông địa chủ đó giàu lòng nhân đạo và rất yêu nước. Ông thấy bộ đội sư đoàn 304 của tôi thiếu ăn nên ông thường cho tá điền gánh gạo đến chỗ đóng quân để ủng hộ. Tôi là trưởng phòng tuyên huấn và chính trị viên của tiểu đoàn nên phải thay mặt anh em ra cám ơn tấm lòng tốt của ông, đồng thời đề nghị lên sư đoàn trưởng trao tặng bằng khen ngợi để vinh danh ông. Thế rồi, một hôm, Tôi nghe tin gia đình ông đã bị đấu tố. Hai vợ chồng ông bị đội Phóng Tay, phát động quần chúng đem ra cho dân xỉ vả, rồi chôn xuống đất, chỉ để hở hai cái đầu lên. Xong họ cho trâu kéo bừa đi qua đi lại hai cái đầu đó cho đến chết. Gia đình ông bà địa chủ bị xử tử hết, chỉ có một cô con gái 17 tuổi được tha chết nhưng bị đội Phóng Tay phát động đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ rách. Tàn nhẫn hơn nữa, chúng còn ra lệnh cấm không cho ai được liên lạc, nuôi nấng hoặc thuê cô ta làm công. Thời đó, cán bộ cấm đoán dân chúng cả việc lấy con cái địa chủ làm vợ làm chồng.

Biết chuyện thảm thương của gia đình ông bà địa chủ tôi hằng nhớ ơn, tôi trở về xã đó xem cô con gái họ sinh sống ra sao vì trước kia tôi cũng biết mặt cô ta. Tôi vẫn chưa thể nào quên được hình ảnh của một cô bé cứ buổi chiều lại lén lút đứng núp bên ngoài cửa sổ nghe tôi giảng Kiều ở trường Mai Anh Tuấn.

Lúc gần tới xã, tôi gặp cô ta áo quần rách rưới, mặt mày lem luốc. Cô đang lom khom nhặt những củ khoai mà dân bỏ sót, nhét vào túi áo, chùi vội một củ rồi đưa lên miệng gặm, ăn khoai sống cho đỡ đói. Quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra, tôi đến gần và hỏi thăm và được cô kể lại rành rọt hôm bị đấu tố cha mẹ cô bị chết ra sao. Cô khóc rưng rức và nói rằng gặp ai cũng bị xua đuổi; hằng ngày cô đi mót khoai ăn đỡ đói lòng, tối về ngủ trong chiếc miếu hoang, cô rất lo lắng, sợ bị làm bậy và không biết ngày mai còn sống hay bị chết đói.

Trích một đoạn ngắn trong bài viết Mầu Tím Hoa Sim của thi sĩ Nguyễn Hữu Loan. http://www.gocnhinalan.com/blog-cua-alan-va-bca/hu-loan-bi-mu-tm-hoa-sim.html




 

Tội Ác Việt cộng

Sunday, September 24, 2017

 

 






Không Ảnh Trên Đường Mòn hcm




Skyraiders A-1H of the 516th Fighter Squadron South Vietnam Air Force,
at Da Nang Aug. 1967



Quenbee-1

Nếu giải đoán không ảnh hình trên đây (trang 276, Vol-1 “The New Legion) là hình chụp từ trên cao do phi cơ trinh sát U-2 hay Woodo F-101E chụp thì cho rằng: Một đại đội quân Bắc Việt với đầy đủ trang bị súng đạn, đang băng qua con Sông cạn Xepon. Nhưng với hình chụp trên trực thăng H.34, đang bay cạ càng bánh xe trên ngọn cây thì rõ ràng đây là toán Dân-công khuân vác những tạc đạn đại bác phòng không, từ tuyến đường cuối cùng của đoàn xe Molotova cho đến các đỉnh cao đặt súng. Họ đang ngụy trang bằng những nhánh lá cây, kể cả cây gậy để mò mẩm qua sông cũng ngụy trang để nguyên cành lá.

Cảnh một chiếc trực thăng H.34 bất chợt lướt qua, phi công do phản xạ tăng tốc lực cho mau qua khỏi vùng nguy hiểm, còn người buộc dây nịt an-toàn đang tòn-teng nơi cánh cửa trực thăng như Th/sĩ Duncan và Chuẩn Úy Huỳnh Thuận Nhả LLÐB (sau qua Không Quân lên Trung Tá và chết khi lệnh bỏ Pleiku) thì tha hồ mà bóp chụp hình lia lịa không dứt. Còn người Cơ-phi ở không Chuẩn Úy Nguyễn Văn Mai thì làm gì trong cảnh tao-ngộ nầy! Một cái quơ-ngoắt tay chào đón “vô thức” qua hành động lịch sự phản xạ tự nhiên của người chiến sĩ Không Quân hào hoa dù nơi chiến trận. Nếu họ có súng sẳn trên tay, họ có kịp bắn lên không? Tôi xin trả lời chắc chắn với đọc giả: “Là không kịp rồi!”

Thời tiết vùng núi sáng nào cũng như ngày nào, khí lạnh toát ra từ đá núi, cây rừng còn đọng lại hơi sương, thỉnh thoảng vài cơn gió biển thổi vào đem hơi ấm cần thiết cho dân miền sơn cước. Vài cụm mây ngàn bỏ núi bay xa, nơi đây lá rừng lung-lay xào xạt, trên bầu trời xanh thẳm điểm vài sợi mây vảy cá Cirrus nằm bất động, báo hiệu một ngày dài với trời nắng đẹp.

Thượng đế như chìu lòng cảm thông cho sự lo âu của phi hành đoàn Biệt-kích Delta sẽ dấn sâu vào vùng lửa đạn với những phi vụ âm thầm không danh xưng trong bóng tối.
Trên bãi cỏ, hai chiếc trực thăng CH-34 lù lù nằm im lìm trên đó, ướt đẫm hơi sương như hai con kình-ngư vừa trườn lên bờ phơi nắng.

Cơ-phi Mai đang hì hục, hấp tấp dang tay đẩy liên tục cần bôm xăng từ các thùng phuy chuyền qua trực thăng. Mồ hôi Mai nhuể nhoải ướt đẩm chiếc áo Bà ba đen, nhưng không phải là bác nông dân cày bừa mà là người hùng cày sâu nơi vùng lửa đạn. Mai dang tay lau bớt mồ hôi tuôn trên trán và dụi nhẹ vào đôi mắt đang cay.
Tôi đang bước nhanh đến Mai:

- “Anh Mai! Anh nghỉ tay một chút cho khỏe, để Tôi bơm cho… khi nào khỏe hẳn anh giúp Tôi kiểm soát mứt độ dầu, xăng, nhớt thủy điều và các cơ phận xoay chuyển o.kay!

- “Mình chỉ bơm chiếc của mình mà thôi, để Huệ và Khôi bay ra Quảng Trị đổ xăng cho đỡ khỏi phải dùng xăng ở đây; Một công hai việc vừa để dành xăng ở đây mà cũng vừa an toàn hơn phải lấy trong thùng phuy lâu ngày đọng nước trong đó”.

- “Chút nữa anh bôm nhớ chừa cặn lóng ở dưới đáy thùng, và kiểm soát lại coi xăng đã hết hạn chưa… vì xăng để lâu trong thùng phuy sẽ bay mất nhiệt lượng octane, sẽ nguy hiểm khi mình dùng sức máy tối đa… Chút nữa đây lên trực thăng, anh nhớ nhắc Thượng-sĩ Donald-Duncan xiết dây nịt an toàn cho chắc, vì trước khi mình vào chụp hình ở Bộ chỉ huy Tiền Phương Ðoàn 559. Tôi phải thử trước một động tác “8-chậm,” phi công Mỹ gọi là “Lazy-8,” có nghĩa là bay quẹo chữ I thay vì chữ U, nói cách khác đó là phương thức bay ngược 180 độ nhưng ở đây dùng khoảng cách Ðứng chớ không thể dùng khoảng cách Ngang. Làm như vậy không đụng vào vách núi dựng đứng nơi đó và tránh bay qua vùng mà hai Tiểu Đoàn phòng không Bắc Việt luôn luôn sẳn sàng nhả đạn… Anh nhớ Tôi sẽ đâm đầu xuống tăng tốc lực tối đa, xong sẽ cất mũi trực thăng chổng ngược thẳng đứng lên trời, đợi khi nào tốc lực xuống đến 25 hải-lý sẽ đạp phối-hợp nhẹ nhàng chân phải cho trực thăng từ từ hạ mũi xuống, rồi uyển chuyển phối hợp động tác tay lái đem phi cơ lên thăng bằng; như vậy là mình đang trở lại 180 độ trên trục mà mình đả bay qua… biết đâu Lính bắc Việt thấy cảnh ngoạn mục nầy nên người anh em thù địch sẽ vổ tay mà quên bắn mình... Anh tin như vậy không?

Mai hiểu được ý nghĩa bông đùa của Tôi khi phải giáp mặt với sự hiểm nguy, hắn nhanh nhẹn trả lời cho tôi yên tâm:

- “Anh lo việc lớn đi, còn việc nhỏ để tôi lo… tôi đã kiểm rất kỹ rồi anh yên chí, ống hút của cần bơm xăng không đụng đáy thùng mà cách gần tới hai tất an toàn lận”.

- “Anh Mai! Những chuyến bay có anh bên cạnh tôi rất yên tâm, vì chuyến bay nầy rất muôn phần nguy hiểm Tôi cảm thấy phải cho anh biết để chuẩn bị ứng phó”.

Trong Không Quân ngành trực thăng, chúng tôi xem nhau như anh em ruột thịt, người nào cũng là quan trọng cần thiết như nhau không thể thiếu được; sự thật chúng tôi là những chiến sĩ anh hùng không tên tuổi. Các phi vụ thường được giữ tuyệt đối bí mật, âm thầm chiến đấu trong bóng tối hay trong dông bảo để tạo sự bất ngờ, vào những đêm trời không trăng sao, thời tiết càng xấu càng tốt, địa hình càng khắc nghiệt càng tăng thêm yếu tố bất ngờ, rồi càng tăng thêm sự kín đáo khi thả Toán nơi chốn rừng già hoang-dã. Những phi vụ cảm-tử như vậy mà ngay người chiến hửu Không quân cùng binh chủng cũng không ai biết được, ngoài Sở Liên Lạc, Nha Kỹ Thuật và Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Ðặc Biệt.

Nghe đến danh từ Queen-Bee, Delta-Alpha-1, 2, các phi công sừng sỏ xuất sắc nhứt của Không Lực Hoa Kỳ và U.S. Army Aviation cũng phải chào thua bái phục. Ðâu cần phải thâm niên quân vụ, đâu cần phải mang trên ngực cánh “hoa tiêu lãnh đạo” có vòng nguyệt quế và tinh cầu dẫn độ. Những phi công mới ra trường đã đi vào huyền thoại lịch sử chiến tranh Việt Nam ngang hàng với các bậc đàn anh của họ.

Trong hỏa tuyến xung vào vùng trời lửa đạn, làm gì có sự phân biệt cấp bực giữa chiến sĩ với nhau, chỉ có lòng can đảm, sự hy sinh cho chiến hữu mới là những trang “chiến-sử” để đời của người Lính trận. Ðó mới chính là gia tài trang trọng và cao quý nhứt mà người chiến sĩ quân lực VNCH ít khi phải đem rao hàng giữa chợ đời.

Thông thường những chuyến bay nguy hiểm tôi thường bay một mình, không có cơ-phi. Tôi rất tiết kiệm, tránh né tối đa sự thương vong vô ích có thể xảy ra cho đồng đội; nhưng đặc biệt hôm nay tôi phải chấp nhận loại đạn AK hơn loại súng phòng không hoặc hỏa tiễn cầm-tay SA-7.

Vì Tôi biết phải giỡn mặt với hai Tiểu Đoàn phòng không của cộng sản bắc Việt bảo vệ Bộ chỉ huy Tiền phương Ðoàn 559; vùng mật khu vô cùng huyền bí, phía SOG Mỹ cho là vùng kiên cố “Oscar-8.” Tôi sẽ bay theo kiểu Cá lia-thia lách mình tránh né dưới rặng đá bén nhọn của san-hô, chôm chổm dựng đứng. Bổng dưng tôi nhớ lại những lời Ni ân-cần dặn dò: “Khi đi bay Anh nhớ đừng bao giờ quên đeo chiếc Từng ảnh thánh giá nầy… Chúa Mẹ sẽ bao che cho anh suốt chuyến bay được an-lành, nhớ hỉ... nhớ hỉ!

Nàng muốn tôi luôn luôn bám giữ niềm tin như vậy, nhưng tôi lại cứ bình thường; “Thôi thì cứ nghe theo nàng, không có lợi thì thôi chớ cũng chẳng có gì gọi là hại cả!”

Tôi sẽ bay cùng với Hảo, anh bay rất vững nhưng ít chịu liều mạng, không giống như Khôi và Huệ, hai hiện tượng nầy thôi khỏi nói, “Ðúng anh hùng tử chí hùng nào tử” do đó tôi cắt đặt hai anh túc trực cấp cứu khi Tôi chẳng may bị nạn. Ðúng “ngựa hay thường sanh chứng!”.

Riêng Huệ, anh đã làm cho Tôi và Thiếu Tá Thơm thuộc LLÐB phải bị Thiếu Tướng Cao Văn Viên, Tư Lệnh Quân Khu-3 kêu lên chửi cho một trận nên thân: Tôi còn nhớ rõ ngày ấy vào một buổi chiều tối, khi tôi đi kiếm vài món gì nhét vào bao tử cho xong. Trên đường trở về khách sạn mà CIA mướn trọn hết cho Phi đội chúng tôi để bảo mật, thì được ông chủ khách sản chạy ra phân bua: Có ông Thiếu-úy của Ðại- Úy, tướng đi nghiêng nghiêng, gương mặt đỏ ngầu, tôi biết ngay là Huệ, xách súng và rủ các ông khác bao vây đồn quân cảnh ở ngả tư đàng kia. Tôi hối hả hỏi ông “Ông biết tại sao, lý do gì vậy”. Tại vì các ông ăn mặc và súng ống của Việt Cộng, nên cảnh sát đã phối hợp với quân cảnh ụp vào khách sạn xét hỏi, khi ông thiếu úy đi về thấy vậy, ông nổi điên chửi thề:


Năm 1949, Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ, Acheson [một thành viên Skull and Bones] thuyết phục T. T. Truman giúp viện trợ cho Pháp sơ khởi 15 triệu Mỹ kim, bốn năm sau lại đề nghị 2 tỉ đôla, nhưng đồng thời trước đó vấn đề Tình Báo OSS, do Ðiệp Viên 019 Lucien Conein nhảy dù xuống mật khu Pác-Pó giúp ông Hồ cả ngàn khẩu súng Carabin và Trung Liên Bar, cho Hạ Sĩ quan OSS huấn luyện Trung Đội võ trang tuyên truyền của Võ Nguyên Giáp và Văn Tiến Dũng làm Trung Đội phó.

Hồi Ðệ-II Cộng Hòa, CSBV chơi trội, pháo kích ác liệt vào phi trường Biên Hòa năm 1967 phá hủy một số lớn phi cơ (Mỹ muốn CSBV tiêu hủy dùm hàng tiêu dùng) để tạo thế cân bằng lực lượng của hai tay Con. Hoa-Kỳ dùng B-52 tiêu diệt lực lượng CSBV gây ra sự thiệt hại đáng kể để dung hòa.

Khi dùng chiến dịch khai quang đến hồi cao điểm, Quân CSBV đói, thì CIA tìm cách xúi bẩy Tiểu Khu trưởng chở vài chục xe nhà binh GMC gạo vào cứu đói, còn Vùng Duyên hải, thì Hải-Ðoàn 759 thả gạo trôi từ ngoài biển vào bờ. Còn khi MTGPMN rên rỉ quá thì CIA buộc VNCH thả ngay các tay gộc cán bộ MTGPMN để họ được ra Bắc nghỉ ngơi R&R.

Vào những ngày cuối cùng của tháng Sáu, 1972, Quân Dù của VNCH chưa được lệnh mà đòi xung phong chiếm Cổ Thành Ðinh Công Tráng làm ngược thế thương lượng theo kế hoạch hòa đàm, thì quân Dù bị máy bay Mỹ thả bom nướng một Ðại Đội Dù tại bức tường thành, gọi là thả bom “lầm” – làm gì nhau? Thả bom lầm là chuyện thường… Chiến tranh mà! (Theo kế hoặch là TQLC chiếm từ phía Ðông Quốc Lộ-I, ngoài biển tiến lên để Mỹ phối-hợp yểm trợ), và phải đúng thời điểm mặc cả tại Hòa Đàm Paris, mới được phép.



- “Ð.M. quân cảnh Mỹ mà thấy tụi nầy chở trên xe Jeep Delta cả chục người kể cả đàn bà con nít mà tụi nó không dám đụng đến mà quân cảnh Việt Nam là cái thá gì mà dám phiền nhiễu tụi nầy?”

Nói xong ông Thiếu Úy tập họp tất cả lại điều động bao vây Ðồn quân cảnh bảo Trung Úy Ðồn trưởng phải đích thân đi ra xin lỗi vì dám vào khách sạn của ông hạch hỏi lôi thôi; tôi có linh tính ngày mai thế nào cũng bị Tư Lệnh Vùng chửi bới.

Y như rằng, Tôi và Thiếu Tá Thơm bị Thiếu Tướng Viên kêu lên chửi cho một trận vuốt mặt không kịp:

– “Các anh đừng ỷ các anh là đơn vị cảm tử, ưu tú nhứt của quân lực VNCH rồi muốn làm gì thì làm à, càng giỏi mà đừng kiêu binh thì người dân mới kính phục quân đội… Trung úy trưởng đồn thông cảm sự hy sinh của các anh, chớ người khác họ lấy xe tăng cán đè lên các anh nát đầu dẹp lép, các anh hiểu chưa? Ăn mặc đồ Việt Cộng mà dám vây đồn quân cảnh, các anh liều thật… súng AK-50 của các anh thì làm được gì với xe tăng?”.

Tôi về lại khách sạn gặp Huệ, tôi cũng chẳng nói tiếng nào, có phải con người mà hằng đêm bay phi vụ đùa giỡn với tử thần đã đem lại một tinh thần bất ổn, căng thẳng vì giao động mạnh? Thế nhưng Huệ sửa lại tư thế càng kính trọng và nể phục tôi hơn, Tôi có thể hiểu được qua nét mặt của Huệ.

Còn Khôi, con người cứ lầm lầm lì lì khó hiểu. Thì giờ anh bỏ ra nhiều nhứt là mài dao trên một miếng đá mài tí hon. Thật là một hiện tượng kỳ quái; đêm đó tôi còn nhớ, Vũng Tàu một thành phố kết hợp nhiều binh chủng nhứt, Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Người Nhái, Biệt Kích Lôi Hổ, Biệt Ðộng quân… Tôi đang ngồi trên chiếc ghế đẩu cao của một quán Kiosque ở Bãi Trước, thì nghe tiếng súng nổ khắp nơi, mọi người đều nằm rạp xuống đất để tránh đạn, nhìn qua nhìn lại chỉ có một mình tôi thản nhiên ngồi uống rượu. Vì tôi biết chắc chắn họ chỉ bắn lên trời thôi chớ chẳng có gì phải sợ, sau một hồi nổ súng, các binh chủng khác đều rút lui chỉ còn lại lác đác vài anh Biệt Kích gan lì ở lại lâm le khẩu súng. Tôi nhìn ra thấy Trung sĩ Ðức, hắn vừa được tôi bóc ra trong chiến khu D tuần trước; Tôi trừng mắt quát lớn (không biết sao hồi đó tôi dữ quá).

– “Ðức… Ð. M đi về ngay!”

Hắn riu-ríu đi về nhưng vẫn chu miệng lên trời la lớn:

- “Ð.M. không có ông thầy tao kêu về… thì chết mẹ tụi bây hết!”

Một lát sau, không khí Bãi Trước vẫn vui lại như không có chuyện gì xẩy ra trước đó.

Một người đàn bà trạc tuổi 40 mươi, mặt mày phấn son tươm tất đi ra chào hỏi như muốn làm thân:

- “Em thấy Ðại Úy anh hùng quá chẳng sợ súng đạn là gì… cứ ngồi uống tỉnh bơ”.

- “Có gì đâu mà sợ… họ bắn dọa lên trời thôi chớ có gì đâu mà sợ”.

- “Em đề nghị Ðại Úy chuyện nầy nghe”

- “Ðâu chị nói thử”.

- “Tụi em ước ao Ðại Úy đỡ đầu cho quán của tụi em, chúng em sẽ biết điều với Ðại Úy… có như vậy quán tụi em sẽ không bị phá phách… nghe Ðại Úy”.

Tôi cảm thấy khó chịu và tội nghiệp cho người dân trong thời buổi chiến tranh:

- “Thôi đi… Tụi tôi ở đây có vài tuần xong chiến trận Bình Giả chúng tôi sẽ đi chỗ khác… Chị coi bao nhiêu tiền tôi trả, tôi phải về khuya rồi”.

- “Không có bao nhiêu thôi để em xin mời đại úy”.

Tôi bèn đặt tấm giấy bạc lên bàn, cẩn thận giằn ly rượu lên trên rồi ra về một mạch.

Vừa nằm xuống chưa kịp chợp mắt, đã có ai gõ cửa rầm rầm nơi phòng mình, vừa mở cửa đã thấy Trung Úy Ðỗ Cao Luận, Ðại Đội Trưởng Biệt-Kích Dù, mặt đỏ kè có lẽ uống quá nhiều rượu.

Tôi nghe tiếng nói không chững chạc qua hơi rượu:

- “Anh Vinh! Tôi muốn đấu súng với anh!”

- “Luận… ê… bộ hôm nay Bồ có chuyện buồn”.

Hắn gật gù trả lời:

- “Không có gì buồn mà chỉ có rửa hận thôi! Anh có đàn em mà không biết dạy-dỗ… mũi dại thì lái phải chịu đòn… có thế thôi”.

Tôi điên tiết lên nhưng phải vuốt cơn giận xuống.

- “Chuyện đâu còn có đó… không lẽ trong chiến trận mình đã hy sinh cho nhau mà bây giờ vì một người đàn bà mà mình phải hy sinh sanh mạng thật nhục quá… Tôi vẫn biết giữa anh và tôi, ai cũng xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, nhưng mình phải dành cái chết nơi xứng đáng.”

- “Thôi anh về ngủ đi… sáng mai tôi sẽ khuyên Khôi vụ nầy… anh yên chí tôi biết tánh nó” Luận bước lùi xiễng niểng, nặng nề lảo đảo ra xe để lại mùi hơi rượu nồng nặc.

Tôi không thể nào chộp mắt lại:

- “Tại sao có việc nầy… lỗi bởi do ai?”

T. Lan là vợ Bé của một cựu Tổng Bộ Trưởng quyền thế, đã có liên hệ tình ái với Luận, chàng Trung- úy rất đẹp trai phải nói nhứt nhì trong quân đội, còn Khôi… so ra còn xấu hơn mình, tình yêu gì mà khó hiểu quá? Mà cũng thiệt kỳ quái, chiều nầy đi vào phi trường để bay thám sát LZ, xe Jeep thiếu gì, nhưng kẹt nổi ai cũng muốn leo lên chiếc xe Cortina Trắng mui trần của T. Lan để vào phi trường; gót giày nhà binh nện lên làm trầy trụa cả lớp sơn trắng.

Chính tôi đã hỏi nàng:

- “Sao cô không để các anh tự lái xe đi… như vầy thì nát xe hết”.

T. Lan nhoẻn miệng cười:

- “Em dự định trầy sơn em sẽ sơn màu đỏ cho nó ngầu và hợp thời trang hơn!”

- Thôi mình ráng dỗ giấc ngủ, ngày mai tính sau.

Nhưng lại nghĩ mong lung tới Trung-sĩ Ðức, vừa rồi nếu mình không cứu hắn từ trong lòng địch từ Chiến khu D ra thì sức mấy đang hang tiết vịt mà nó chịu nghe lời mình trở về Trại. Nghĩ cho kỹ Toán hắn hên và thật may, mới thả chiều hôm qua thì sáng hôm nay lại được bóc về liền.

Hắn kể chuyện mà bắt tức cười:

- “Chiến thuật ngụy-âm” Chúng tôi thả Toán của Tùng và Nhựt bằng phương cách tạo nhiểu loạn âm thanh; Trên thế đất bằng phẳng rừng cây cao dầy đặt bạt ngàn như Chiến khu D, hoặc rừng cao-su bát ngát như Bình Giả; Tâm lý ở vùng rừng núi người ta thường chuẩn bị cho một đêm dài trước khi trời sắp xụp tối.

Trưa ngày hôm đó, hai Toán-trưởng, hai Phi-công trưởng và hai sĩ quan Việt Mỹ đặc trách hành quân, Thiếu tá Tất và Thiếu tá da màu Thompson. Chúng tôi được một chiếc phi cơ của quân đội Úc “Otter” chở đi thám sát bãi đáp, Tôi đề nghị phi công của chiếc Otter bay cao ngang qua vùng hành quân lấy trục thẳng từ Ðông sang Tây và khi trở về đáp lại Vũng Tàu, tránh tuyệt đối không bay trở lại trên vùng đó, làm như vậy để khỏi bị sự chú ý của địch.
Chỉ còn vài phút nữa là bay ngang vùng phải chọn bãi đáp cho tối nay. Bốn nhân vật quan trọng nhứt trong phi vụ thám sát nầy là hai cặp, Nhựt và Khôi, Tùng và Tôi. Chỉ duy có vài phút trôi qua nhanh chóng, mổi cặp tự bàn thảo với nhau trong việc chọn bãi đáp, nhưng phần nhiều phi công quyết định; Toán trưởng chỉ có việc ghi chấm bãi đáp theo ý định của phi công.

Chúng tôi thường chọn một bãi Chính và một bãi Phụ; Trên bản đồ có khoanh vùng thám sát cho từng Toán trách nhiệm. Thời gian bay ngang qua bải đáp quá nhanh, bốn đứa chúng tôi, ai mặt mày cũng đỏ kè vì phải vận dụng trí óc quá nhiều căng thẳng thần kinh; Tôi nhìn qua Khôi và Nhựt thì họ cũng vừa trỏ ngón tay Cái lên báo hiệu okay.

Thế là từ giờ phút nầy trở đi bãi đáp như một nhân tình không thể xóa mờ trong tâm trí chúng tôi; Thiếu tá Thompson có hỏi tôi hai tọa độ bãi đáp nhưng tôi do-dự, làm sao tin ai được, Tôi có trách nhiệm phải bảo vệ tuyệt đối bí mật cho Toán, cho nên Tôi thối thoát:

- “Tối nay Tôi sẽ cho Thiếu-tá biết ngay lúc về đáp vì có thể giờ chót đáp vào bãi phụ thứ hai”.

Ánh nắng ban chiều còn lảng vảng dưới trời Tây như muốn nhắn nhủ loài người thôi dừng lại sự chém giết lẫn nhau vì tất cả rồi đây sẽ chôn vùi vào bóng tối âm ti. Ba chiếc trực thăng tuần tự nổ máy giữa gốc phi trường nhưng không át nổi tiếng động-cơ gầm thét khi lên xuống; Tôi cất cánh trước rồi Huệ và Khôi sau cùng; Huệ bay chiếc thứ hai không có chở Toán mà chỉ để cấp cứu khi có chiếc nào bị nạn và cũng để đánh lạc hướng đối phương. Phi cơ đang bay đội hình nấc thang, chút nữa đây giữa đám cây cao dầy dặt; Lính Bắc Việt chỉ nghe một đoàn trực thăng bay ngang qua như mọi ngày, không biết từ phương hướng nào tới, âm thanh nhiểu loạn, lẫn lộn lớn dần rồi vụt một cái ào lướt qua, âm thanh tiếp tục nhỏ dần dần đến khi không còn âm vang. Làm sao Lính Bắc Việt biết được chỉ có vài giây, một chiếc vừa thả Toán cách đó không xa!

- “Hai, Ba sẵn sàng… mình xuống thấp 100 bộ, hãy giữ cao độ nầy, mổi chiếc cách nhau 7 giây okay?”.

Tôi xuống thấp… bải đáp trước mặt, làm động tác đứng khựng nhịp nhàng tay-lái… không được rồi, chúng gài chông cao năm thước để chống trực thăng đầy lố-nhố trên trãng tranh của bãi đáp, Tôi cất cánh lại tiến về bãi đáp dự phòng, vừa lúc nầy thì chiếc thứ Ba của Khôi vừa lướt qua; Tôi bám theo sau hắn giữ khoảng cách 7 giây. Bây giờ tới phiên Khôi thả tôi giữ khoảng cách sau hắn; Khôi đang giảm sức máy, đầu phi cơ ngốc lên, chuẩn bị đáp; Tôi giữ nguyên tốc độ vượt qua trên đầu hắn, chưa được 7 giây thì Khôi đang nối đuôi sau lưng tôi. Giờ tới phiên Tôi thả, bãi đáp trước mặt hơi nhỏ khó khăn hơn; Tôi nhẹ nhàng giảm tốc lực máy, đáp xuống… một, hai rồi năm giây Toán phóng xuống quá nhanh; Tôi cất cánh nối đuôi theo chiếc trước của Huệ, bay thẳng một mạch không đỗi hướng về lại căn cứ. Cuộc thâm nhập thật hoàn hảo!

Ðúng 10 giờ sáng hôm sau, Toán của Trung úy Tùng cho biết đã bắt được một tù binh xin được bóc về gấp, gần chỗ bãi đáp hôm qua bị gài nhiều chong chống trực thăng. Lời nhắn của Toán trưởng, nên bay từ hướng Bắc xuống, từ nơi có nhiều cây cao dầy đặt nhưng rất an toàn, không nên lấy hướng từ Xóm sình, Bầu-Cạn, Bầu Phụng trở lên sẽ bay qua đầu một trung đoàn trừ của Bắc Việt chốt ở đó, Toán chỉ trãi báo hiệu bằng tấm vải nhựa màu vàng cam khi nghe tiếng trực thăng, tuyệt đối không đốt khói màu. Trung sĩ Ðức là người lập công đầu; Hắn mừng rỡ vừa nhảy xuống phi cơ, bu lô bu loa trong niềm tự hào, hắn kể cho phi hành đoàn nghe:

- “Tôi nghe ở đàng xa có tiếng chân người bước vội, tôi núp ngay xuống bụi rậm dầy nhứt ở bên cạnh lối mòn. Tim tôi đập thình thịch, súng luồm luồm ở vị thế sẵn sàng nhả đạn, tuy tôi được lịnh tránh tối đa không được nhã đạn. Tiếng lá xào xạt mỗi lúc một gần, tôi nghĩ thằng Việt Cộng nầy chắc chắn nó không biết có tụi tôi ở nơi đây, nên nó vừa đi vừa thản nhiên hút gió. Khi nó vừa qua mặt tôi thì nó đi vào một bụi cỏ gần đó; Tôi ngó qua thấy nó không cách tôi xa lắm và đang cởi quần; Tôi nghĩ nó đi Ể. Tôi liền tiến tới ngay sau lưng nó la hét to lên, cốt cũng để báo động cho Toán biết luôn.

- “Dơ tay lên… Ð.M. dơ tay lên!”

Tôi thấy nó chẳng chút gì sợ hải mà thản nhiên trả lời:

- “Ð. Một… đây, Ð. một đây!”

Tôi tức giận thét lớn:

- “Ð.M… Ð Một cũng phải dơ tay lên.”

Lúc nầy Hắn mới sợ hãi quay lại nhìn tôi một lát rồi mới chịu dơ tay lên mà không kịp kéo quần, Ð.M. thúi quá! Tôi xong tới trói tréo tay hắn lại bằng chiếc còng dã chiến Nilông thì cũng vừa lúc Trung úy Tùng chạy đến, chúng tôi kéo hắn chạy trối chết ra bãi đáp… Tôi không hiểu ám số Ð-Một là cái con mẹ gì?

Nằm trong phòng ngủ hạng sang có máy đều hòa mà Tôi không tài nào ngủ được, tôi nhảy xuống giường chơi thêm một chai beer nữa họa may dỗ được giấc ngủ rồi ngày mai còn phải gặp Khôi để giải quyết chuyện tình cảm lăng-nhăng giữa đồng đội cùng sống chết có nhau. Thật tình yêu phức tạp khó hiểu quá! Ðẹp trai không chịu mà chịu xấu trai mới nên nông nổi, ngày mai Tôi sẽ phải giải quyết sao đây!

Mặt trời đã lên cao nhưng Tôi vẩn còn ngủ vùi như khúc gỗ, bổng có tiếng gõ cửa dồn dập; tôi nhảy ra khỏi giường như chiếc lò xo ra mở cửa; Khôi xuất hiện vui vẻ mời tôi đi ăn sáng.

– “Tôi định gặp anh thì anh đã đến.”

Khôi dồn dả hỏi tôi:

– “Có chuyện gì quan trọng không đại-ca?”

- “Ối, cũng chẳng có gì là quan trọng, anh đồng ý tính mạng của anh em mình mới quan trọng.”

Khôi cướp lời:

- “Khỏi nói đúng là như vậy.”

Chúng tôi lái xe Jeep ra Bải Sau ăn sáng, trên đường đi tôi không nhắc nhở gì chuyện tối qua Trung Úy Ðổ Cao Luận đòi đấu súng với tôi.

- “Bửa nay hai anh em mình đi thi tài bắn súng, ai thua thì trả ăn sáng?”

Khôi dẩy nẩy:

- “Tôi hứa bao anh ăn sáng rồi mà… vả lại tôi làm sao bắn giỏi bằng đại-ca?”

Chúng tôi vào một cái quán xa nhứt và cũng vắng vẽ nhứt; Sau khi ăn uống no nê, tôi từ từ nói:

- “À Khôi nè, đừng nói tôi hay tò mò… Anh làm quen với cô T. Lan được bao lâu”

- “Cũng không lâu lắm… mới được vài ngày đây thôi”

- “Anh đừng nghĩ tôi tò mò, chỗ anh em mình sống chết có nhau… vì thế cuộc sống của chúng mình có những mấu chốt dính dấp chặc chẻ như ruột thịt… anh đồng ý điều đó.”

- “Chắc chắn dĩ nhiên là vậy!”

- “Anh có biết T. Lan là người yêu của Luận, Ðại đội trưởng Biệt Kích Dù?”

- “Biết chớ, nhưng T. Lan đâu phải vợ của thằng Luận”

- “Ðành rằng như vậy nhưng giữa T. Lan và Luận anh quý người nào hơn?”

- “Tôi quý cả hai, Luận là chiến hữu cùng sống chết có nhau nhưng T. Lan là người yêu, dầu mới quen nhau nhưng tôi không thể bỏ nàng được”.

- “Một bên là tình bạn cố hữu lâu đời và một bên là tình yêu mới chớm nở, chả lẽ chuyện nầy anh không thể giải quyết được sao?”

- “Anh Vinh à, mặc-dù anh lớn tuổi và là cấp chỉ huy của tôi, nhưng anh làm sao hiểu được khi yêu con tim nó có lý lẽ riêng của nó!”.

- “Khôi à… tôi rất hiểu điều đó, nhưng đây mình bỏ qua cấp bực mà chỉ lấy tình chiến hửu cao quý để đối xử với nhau, tôi thấy nó trọn tình vỉnh cửu, dù sao mình cũng tự hào là người trai anh hùng của thế hệ; Tôi nghĩ Khôi con người tài ba mà chẳng lẽ chỉ có một T. Lan trong cuộc đời mình, ngoài xã hội thiếu chi người đã đẹp mà nết na chung thủy… hay là anh chịu khuất phục không đủ bản lãnh hay tài ba để tìm một người đẹp hơn T. Lan?

- “Ðúng, anh là cấp chỉ huy tài ba không những trong nghề nghiệp mà còn thầy đời về tâm lý, anh đã khơi đúng lòng tự trọng của thằng Khôi nầy… Bây giờ trở đi tôi xin hứa với anh, mối liên hệ giữa T. Lan và tôi sẽ chấm dứt từ đây”.

Ðể cho không khí bớt căng thẳng tôi cà-rởn nói đùa như có lời khích bác:

- “Nếu mình o - mèo dở ẹt không kiếm nổi cô nào khác thì tội gì mà nhả ra… phải không!”

Anh Vinh à! Đây là lần cuối, thôi đừng nhắc nhở chuyện đó nữa, anh nói đúng: “Mình không thể bỏ anh em, bạn bè chiến hửu cùng sống chết có nhau!

Bây giờ nghĩ đến hai hiện tượng Khôi và Huệ túc trực cấp cứu, tôi vô cùng yên tâm, vừa suy tư đến đây thì cũng vừa lúc Khôi và Huệ đến tôi; Huệ có cầm trên tay cho tôi một ca-nhôm càfê đen.
Hắn nói:

- “Trong thời gian nghiên cứu bản đồ, anh uống chút cho tỉnh!”

Tôi, Hảo, Huệ và Khôi, bốn đứa ngồi cho hỏ trên bải cỏ. Tôi chậm chạp thuyết trình:

- “Dự trù Tôi sẽ cất cánh lúc 10 giờ, hai anh cất cánh sau tôi một chút bay thẳng về Ðà Nẳng, nhớ giữ tần số UHF… VHF… F.M… thỉnh thoảng các anh gọi tôi hoặc ngược lại, Hảo sẽ gọi các anh” Xuống Ðà-Nẳng các anh đổ xăng vẩn luôn luôn giữ ba tần số nầy có gì khẫn cấp thì gọi Okay..? Khi cất cánh lại nhớ bay về hướng Quảng Ngãi, khi bay xuống gần đến Benhét tôi sẽ trở về Quảng Ngải đổ xăng và gặp các anh ở đó. Chúng ta sẽ gặp người đẹp Quảng Ngải, Cô Mầu bán kẹo Gương, nhìn nàng rửa con mắt cho thỏa chí rồi lên nhà hàng Thế giới Tửu gia dùng cơm.

À còn quên một chuyện rất quan trọng, ngay sau khi cất cánh, các anh đừng vội bay một lèo về Ðà Nẵng mà bay vòng vòng ở Sông Mỹ Chánh, vì Tôi sẽ không bay chụp ảnh từ biên giới Lào Việt dọc xuống miền Nam, trọng điểm từ đỉnh núi đá vôi Coroc xuống lần theo Sông Xe-pon mà bay thẳng một mạch đến sào-huyệt Tiền phương Ðoàn 559 trước, vì rằng Tôi không muốn chúng sẳn sàng chào đón, nếu mình ló dạng nơi nào khác trước đó thì chúng sẽ báo động ngay. Mình sẽ bị lảnh đủ vì nơi đó là vùng tử địa, núi non chôm chổm, vách đá đứng sựng, nơi hai Tiểu Đoàn pháo phòng không bảo vệ chặc chẽ, phi cơ khu trục chiến thuật rớt quanh đó rất nhiều, mới vừa rồi một gunship AC-130E bị bắn rớt phi hành đoàn coi như tan xác, vì theo ROE cho nay co Sam- enveloped… Các anh có gì để hỏi? Okay chúng ta chuẩn bị cất cánh”

LLDB Huỳnh Thuận Nhã xuất hiện trong bộ đồ ngụy trang da-beo lốm đốm và Thượng Sĩ Donald Duncan trong bộ đồ rằng-ri TQLC, trên bộ đồ ngụy trang nầy chằng chịt nhiều thứ máy chụp hình, phim ảnh, dây súng đạn đủ thứ.
Người Mỹ ỷ vào sự lớn xác nên họ mang rất nhiều thứ lỉnh kỉnh trên mình, như ống nhòm, gun flare, bản đồ thậm chí còn có kiến mát nữa.
Tất cả đều được điều động ngồi gọn lên phần trước của Trực thăng, Cơ-phi Mai đang tháo hai khúc gổ chèn bánh xe quăng vội một bên, rồi nhảy phóc lên sàn tàu, dơ ngón tay Cái ám hiệu sẳn sàng nhưng không quên nhe hàm răng ngó lên cười để cũng cố sự can đảm. Mọi người đều hiểu được đây là chuyến bay định mệnh, đúng nghĩa vào sanh ra tử!

Tôi vừa làm thử một thao tác “Lazy-8” rất ngoạn mục nhưng không biết tới đó, vách núi chập chùng chận cao trước mặt mình có làm được đẹp như vậy không, hay là quá căng thẳng thần kinh cùng sự mệt mỏi, rồi không làm được thì chết mẹ cả lủ năm mạng người. Sào-huyệt Ðoàn 559 (Oscar-Eight) cách Khe Sanh 25 dậm về phía Ðông-Nam, nơi đây tôi phải bay sạt trên ngọn cây không phải vì sợ Radar theo dỏi mà sợ chúng biết tụi tôi mon men tới, chúng sẽ vui vẻ chuẩn bị chào mừng bằng những tiếng pháo phòng không đủ loại.

Tôi cứ bám hướng 155 độ, bay sạt trên ngọn cây, dợn sóng lên xuống theo địa hình lồi lỏm của thế đất. Xa xa là tiền đồn Satram của ngày xa xưa nay bỏ ngỏ như một đồn ma hoang vắng, đã bị bỏ hoang từ thời Ðệ-I Cộng Hòa; Trước mặt là dảy núi Tam Bôi, ánh nắng ban mai chói chang đang tỏa xuống cạnh sườn Ðông của thung lủng với vách núi đá sừng sửng dựng đứng, lác đác đó đây trên điểm cao, những ổ phòng không lúc nào cũng sẳn sàng nhã đạn. Dưới đó có một con suối lớn ngoằn ngèo chảy ngược nhưng lại xuôi về Ðông Nam, tiếp nối thung lủng ALuôi, Ashau như tấm thảm xanh bằng phẳng trải dài bát ngát với cỏ rạ sình lầy.

Còn vài phút nửa là chúng tôi sẽ đâm đầu vào ổ kiến lửa; Nó ở giữa lưng chừng của hai tiền đồn đả bỏ hoang từ lâu là Litôn và Tourout, cảm giác ngoại cãnh khác lạ trong tôi, bỗng dưng toát lên hai thái cực đối nghịch với nhau. Hồi còn là phi công quan sát, ở vị trí từ trên cao nhìn xuống, tôi thường chép miệng khen thầm “quê hương mình quả thật quá đẹp, núi non hùng vĩ bạt ngàn. Nhưng giờ đây ngoại cảnh trước mắt quá hải hùng, buộc chặc trong tằm mắt phải nhìn thật gần, thật sát, thật rõ được những gì đang đe dọa cho đất nước miền Nam.
Dưới đây, hoạt cảnh đổi thay nhộn nhịp đến kinh hoàng trên dọc tuyến đường Mòn Hồ Chí Minh, chi chít đường xá mới mọc, lối mòn tua tủa song song chạy về hướng Nam, biết bao là cầu mới dựng tạm bắt ngang. Những doanh trại, nhà kho nằm ẫn dật dưới lùm cây dọc theo con Suối, có nơi lá ngụy trang đã rụng rời phơi bày mái nốc lợp bằng “Tre-đan đập-dập” lộ thiên như thách thức, rẩy nương tạp nhạp lẩn lộn với đủ loại hoa màu, Sắn, Ngô, Khoai, Cải bẹ… để ngụy trang đánh lạc hướng sự chú ý của các phi cơ trinh sát không ảnh U-2 và RF-101 nhưng làm sao lừa được những cặp mắt cú-vọ của Nhã và Duncan qua những thước phim để đời.

Ai dám bảo đảm cho Cộng Sản Hà Nội thôn tính Miền Nam!

Không phải Liên Xô mà cũng không phải Trung Quốc mà là người bạn quý của chúng ta! Nếu phải nêu đích danh là W. A. Harriman, thủ lãnh đảng hội Skull and Bones thì quả là không sai – Một trò chơi chiến tranh chớ không phải là cuộc chiến tranh thực sự.

Nếu Hoa kỳ muốn làm tiêu tan ý đồ của Cộng Sản Bắc Việt, cứ mỗi tuần lể chỉ một lần thôi, thả vào nơi đường Xa lộ Harriman (Đường Mòn Hồ Chí Minh): Vì đã nhiều lần CSBV tuyên bố trước thế giới không có quân lính của họ ở nơi đó (đường mòn HCM), có nghĩa là chỉ có Khỉ và Vượn mà thôi.

Ðể phòng thủ tự vệ, Không-quân miền Nam chỉ thả một trái Bom CBU-55, và cứ một tuần một lần rồi dùng AC-130B bay dọc theo hành lang xa lộ dùng đại bác không giật 106ly loại đạn tầm nhiệt mà chơi. Không bao lâu chẳng còn chiếc xe máy nổ nào ở trên tuyến hành lang và chỉ còn lại một loại xe “cải tiến” (nói theo danh từ của Việt cộng, cho la Xe-thung) nhưng lại không có người hay trâu bò để kéo. Dĩ nhiên là tiêu tan ý đồ cưỡng chiếm Miền Nam bằng võ lực.

Phía Cộng Sản thường nói: Mỹ là tay sen đầm quốc tế, còn các nước khác cho Mỹ là cảnh sát thế giới. Riêng Tôi thì cho rằng, Mỹ là Chủ cái chia bài rất điệu nghệ, phát hiện tay Con nào thua quá nhưng muốn cầm chưn để chơi tiếp. Chủ Cái Mỹ bèn có hai cách: Một, lấy tiền của tay Con kia cho tay nầy ăn để chơi tiếp – Hai, Chủ Cái chơi đẹp - cho tất cả tay Con đều “hẩu-sực” rồi từ từ lùa hốt sau.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ vừa viện trợ cho Pháp (nhưng thực tâm Mỹ muốn nhờ Pháp tiêu thụ những thứ vất đi nầy, và chịu lệ thuộc cho quyền lợi của Mỹ).

Năm 1949, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ, Acheson [một thành viên Skull and Bones] thuyết phục TT Truman giúp viện trợ cho Pháp sơ khởi 15 triệu Mỹ kim, 4 năm sau lại đề nghị 2 tỉ đôla, nhưng đồng thời trước đó vấn đề Tình báo OSS, do Ðiệp Viên 019 Lucien Conein nhảy dù xuống mật khu Pác-pó giúp Cụ Hồ cả ngàn khẩu súng Carabin và Trung Liên Bar, cho Hạ Sĩ quan OSS huấn luyện Trung đội Vỏ trang tuyên truyền của Vỏ Nguyên Giáp và Văn Tiến Dủng làm Trung đội phó.

Hồi Ðệ-II Cộng Hòa, CSBV chơi trội, pháo kích ác liệt vào phi trường Biên Hòa chẳng hạn như năm 1967 phá hủy một số lớn phi cơ (Mỹ muốn CSBV tiêu hủy dùm hàng tiêu dùng) để cân bằng lực lượng của hai tay Con, Hoa-Kỳ dùng B-52 tiêu diệt lực lượng CSBV gây ra sự thiệt hại đáng kể để dung hòa.

Khi dùng chiến dịch khai quang đến hồi cao điểm, Quân CSBV đói, thì CIA tìm cách xúi bẩy Tiểu Khu trưởng chở vài chục xe nhà binh GMC gạo vào cứu đói, còn Vùng Duyên hải, thì Hải-Ðoàn 759 thả gạo trôi từ ngoài biển vào bờ. Còn MTGPMN rên rỉ quá thì CIA buộc VNCH thả ngay các tay gộc cán bộ MTGPMN để họ được ra Bắc nghỉ ngơi R&R.

Vào những ngày cuối cùng của tháng Sáu, 1972, Quân Dù của VNCH chưa được lệnh mà đòi xung phong chiếm Cổ Thành Ðinh Công Tráng làm ngược thế thương lượng theo kế hoạch hòa đàm, thì quân Dù bị máy bay Mỹ thả bom nướng một Ðại Đội Dù tại bức tường thành, gọi là thả bom “lầm” – làm gì nhau? Thả bom lầm là chuyện thường… Chiến tranh mà! (theo kế hoặch là TQLC chiếm từ phía Ðông Quốc Lộ-I, ngoài biển tiến lên để Mỹ phối-hợp yểm trợ), và phải đúng thời điểm mặc cả tại Hòa Đàm Paris, mới được phép.
Còn CSBV muốn Tổng Nổi Dậy chiếm Miền Nam 1972, nhưng chưa đúng thời điểm nên phải bị hy sinh 100.000 quân, khiến Tướng Giáp phải từ nhiệm.

Nhưng quyền hạn do lãnh đạo Mỹ chỉ định là Sư-đoàn TQLC tái chiếm Cổ thành. Báo hại trong buổi hợp tại Camp Evan khi TQLC được chỉ định chiếm Cổ thành, thì bị ngay sự phản ứng của Trung tướng Dư Quốc Ðống phẩn nộ ngay buổi hợp.

Tôi xin phát biểu nguyên văn:

- “Ð. M. Thằng nào ở Dù ra mà phản bội lại Dù thì đéo khá được”.

Có lẽ Tướng Ðống nghĩ rằng đây là phóng đồ hành quân do Tướng Trưởng quyết định. [Chúng ta cũng đừng nên nghĩ rằng cuộc hành quân Lam Sơn 719 là tiếng Việt nhưng Mỹ đã đặt tên qua sự cố vấn của CIA trước một tháng, 18/1/1971, do Richard Helms va Donald Rumsfeld] làm mất đi tình huynh đệ chi binh giữa các Tướng lãnh với nhau.

Tôi phải mở to mắt ra để nhìn về phía trước, bằng mọi giá phải khóa chặt tầm nhìn của súng phòng không Bắc Việt. Thông thường chúng điều chỉnh tầm tác xạ ở góc bắn bao quát lên trời chớ không bắn tầm ngang hoặc chỉa xuống dòng Suối của thung lủng; Ðây cũng là cách bay nhũi vào lửa đạn mà tôi đang nghĩ tới cách thoát thân. Tôi quyết định bay thẳng gốc với con đường mòn trước mặt giao tiếp với một con Suối lớn bắt nguồn từ giòng Sông Xê-Pon chảy ngược lên mạn Tây Bắc của Tỉnh lỵ Tchepone.

Bất chợt, như phản xạ, Tôi tự động chúi mũi tăng tốc độ tối đa để vượt qua tầm mắt của Toán người đang cố lội qua Suối; Họ đang cồng lưng vác vật gì nặng lắm! Có lẽ đạn phòng không? Mình mẩy ngụy trang đầy cành lá! Tại sao Họ không bắn chúng tôi mà lại vẩy tay chào mừng như đồng chí?

Tôi nghe trong nón bay, ở dưới buồng lái Mai nói nhắn lên:

- “Anh nghe thấy gì không?”

Tay chân đều kẹt đang lái, Tôi vừa ngậm micro vừa nói ú ớ:

- “Thấy lính Bắc Việt vẩy tay chào anh”

“Duncan và Nhã đang bận bấm liên tục chiếc máy hình, Tôi đâu có việc gì làm… mà không biết tại sao Tôi tự động vẩy tay, cho nên họ mới vẩy tay lại”.

Tôi hỏi gặn lại,

- “Tại sao họ không bắn mình”

Mai cười hô hố trả lời:

- “Có lẽ Toán dân công khuân vác, Họ đâu có mang súng, anh nào cũng ì-ạch xiểng niểng chống gậy qua Suối, dường như Họ mang cái khỉ gì trên lưng nặng lắm, qua Suối không vững… nếu như U-2 hoặc RF-101 mà chụp không ảnh… thì Họ cứ cho là một đại-đội hay trung-đội nào đó với đầy đủ súng ống đang băng qua Sông, chớ đâu có biết đây là Toán dân công khuân vác, có người chặt cả cành cây còn lá để ngụy trang, làm gậy chống chỏi qua Suối.
Những cái vẩy tay qua lại vô tâm hay lịch sự vô thức? Hay phản ứng tự nhiên? Không phải “tao-ngộ chiến”… trong giây lác ngở ngàng không dự đoán phải làm sao

Chúng tôi sắp lướt nhanh qua con đường đất đỏ trước mặt, lần nầy chắc Mai vẩy tay có ý thức, chớ ở không làm gì, vẩy tay ra cái điều là dân lịch sự hào hoa cũng nên lắm!

Quả thật ở ngay trên đường đất đỏ nầy có một chiếc xe ‘hũ-lô’ làm đường, kiểu có ống khói hồi lý-toét xa xưa, vài chục người bu quanh, hai tay cầm cái Rế cái Xọt, dường như đang hất đất đá xuống những lổ trủng làm đường. Làm sao biết được đàn ông hay đàn bà dưới những vành nón lá nhỏ hơn kiểu Miền Nam một chút. Chúng tôi đang nghĩ rằng họ sẽ ngước mặt lên khi nghe tiếng động cơ bay ngang; người ngước lên nhìn trước nhứt là ngay vào lúc Tôi đang bay ngang đầu họ, còn lại phần đông chưa kịp phản ứng; Những chiếc hình nầy của Duncan và Nhả sẽ tái xác định vào lúc nào thì tất cả đều biết chúng tôi bay ngang.

Ðã đến nơi tử địa rồi, Tôi đang căng thẳng thần kinh, hồi hộp mím môi ghìm tay lái. Bay lách qua, lách lại như con cá lia-thia ẩn hiện trong hóc đá san hô, cạnh sườn bên trái con Suối lớn, để tầm quan sát chụp ảnh được rỏ ràng hơn, bên phải tôi, trên cao vách đá, đã phát hiện ra ít sự hoạt động của người qua lại trên lối mòn, cỏ vẹt ra nằm rạt hai bên. Nhưng cảnh vật vẩn yên tịnh, có lẽ là Họ không ngờ rằng giờ nầy có chúng tôi đến thăm mà không hẹn trước; Trên vách đá cao hơn đã thấy có dấu vết phơi áo quần bộ đội, Tôi cảm thấy vững tâm vì các ổ phòng không đang chốt ở các cao điểm, hơn cao độ chúng tôi đang bay dọc theo dưới con Suối. Và dỉ nhiên tầm tác xạ của chúng không làm gì được để gây thiệt hại cho chúng tôi.

Thình lình, Tôi nghe khoảng cách sau đuôi hai tiếng nổ ầm ầm, Tôi nhũi mũi tăng tốc độ bay sát vào vách đá, nương vào các chướng ngại vật thiêng liêng để lẫn tránh. Rồi cũng phía sau đuôi tiềng AK nổ dòn tan như bắp rang. Tôi chẳng sợ sệt gì cả vì tầm đạn còn quá xa không thể nào đến đây được; Dường như chúng đã báo động, tôi đã nhìn thấy rỏ những vệt khói trắng từ bên kia Suối. Có lẽ B-40 hay 41 gì đó bắn qua nhưng đạn đạo không tới, nên rơi nổ giữa dưới lòng Suối; Thời gian bay qua Ðoàn 559 Tiền phương sao lâu quá mà khúc ẹo con Suối lại quá gắt, đôi khi lượn trái đôi khi lượn phải mà vách núi đá thì đứng sừng sựng như muốn chụp xuống trực thăng.

Bây giờ ở phía sau đuôi thì hình như không còn đe-dọa nữa, nhưng ác nghiệt thay những mảnh đạn súng cối tối tân nhứt thời đó của Liên Xô là Cối 120ly lại bóc lên trước mặt, có những cột khói nổ tung rải rát không biết đâu mà tránh. Chúng bắn từ những cao điểm ở trên chóp núi dọc theo dưới con Suối, nên luôn luôn chúng tôi phải lướt trên những cụm khói của hỏa pháo, mùi khói thuốc khét nghẹt đến muốn ngạt thở.

Trong phản ứng, Tôi dùng hết sức máy để qua khỏi vùng tử địa càng nhanh càng tốt, trực thăng thoáng nhanh có lúc muốn chui vào vách đá bên trái con Suối. Bay như thế nầy có thể tránh khỏi những mảnh đạn của súng cối phòng không, nhưng vô cùng nguy hiểm vì phải đòi hỏi tay nghề khá điêu luyện. Tôi đang thấy rõ hai vệt khói trắng đục bên phải, từ vách núi phía trên cánh quạt chính phụt xuống, Tôi lại cứ ngở rằng loại B-40 hay 41 gì đó; Nhưng khi chúng bay ngang tôi sức gió thật mãnh liệt và theo sau một vệt khói dài nơi sau đuôi. “Thôi chết rồi SA-7, 5, 3 gì đây” Trong nón bay Tôi vẩn nghe được tiếng gió rít, cảm nhận tốc lực và âm thanh thật hải hùng, rồi hai tiếng nổ kinh hoàng… ầm ầm trên thành đá bên trái của chúng tôi chừng 20 thước. Trực thăng bị ảnh hưởng luồng gió cực mạnh rùng mình đôi chút.

Con người thường khi gặp nguy hiểm hay quá thất vọng thường nghĩ đến Thượng đế. Lúc nầy tự nhiên Tôi nhớ đến lời Ni dặn,

- “Chúa Mẹ Maria ơi cứu con!” Tôi Amen loạn xạ!

Có lẽ hai trái hỏa tiễn SA-7 cầm tay nầy hay đạn pháo 85 ly, 75 ly gì đó. Nếu đạn 85 hay 75 ly thì làm gì có vệt khói mạnh thẳng bon ở sau trái đạn, mà đạn đạo làm gì đi xa thẳng đường như hỏa tiển; Nếu như ống thoát khói của H-34 ở bên phải thì mình đã bị nó hút vô rồi; vả lại khi bắn hỏa tiễn sẽ không có hiệu quả chính xác, trừ phi trái hoả tiển có đủ tốc lực và cao độ thì nó mới được chính xác nhũi vào mục tiêu. Cho nên chúng tôi đã thoát chết do hai đều may mắn kể trên: cao độ thấp và ống thoát khói ở ngoài tầm nhiệt phi đạo của hỏa tiễn.

Thôi qua khỏi rồi, đừng quan tâm gì nữa để trí não lo chuyện khác, trước mặt lại lập lại cảnh cũ, những cột khói súng cối lại cường độ nhiều hơn trước, nhưng thời gian và tâm trí đâu mà đoán ước lượng cỡ bao nhiêu cự ly; Thôi đành cứ bay sạt ngang cạnh vách đá chớ biết làm sao hiểu được ở đâu mà tránh. Ðạn tránh người chớ người làm sao tránh đạn!

Chúng tôi đang thấy một số rất đông người ở dưới Suối, dường như họ đang thản nhiên tắm giặc; Ô coi kìa! Họ đang tũa chạy lên bờ, một lát sau chúng tôi nghe tiếng AK như chưa bao giờ được nghe nhiều như vậy, nhưng chúng tôi cứ tỉnh-bơ vì quá xa sau ấy; Nhưng nếu mà đừng hồi hợp thì nghe tiếng AK dòn như pháo Tết, pháo nổ trước mũi Lân đang múa giao thừa. Nơi đây cảnh vật bắt đầu yên tỉnh, núi đá cao dần, tôi bớt sức máy giữ trong chế độ bay bình thường.

Tôi giựt mình thấy chân ngọn núi Tam Bôi dựng đứng như cánh cửa sắt khổng lồ chấn ngang chực ụp xuống chúng tôi – rán gò tay lái, Tôi bình tỉnh ấn nhanh mũi phi cơ lấy tốc lực, nhanh lần, nhanh hơn đến vận tốc tối đa… đũ tốc độ, kéo mũi phi cơ thẳng đứng, xung quanh toàn vách núi… thân thể mọi người dính chặc vào ghế lái, thân tàu, mặt dài thộn ra… mũi phi cơ ngóc lên thẳng gốc, cao cao dần, một màu xanh bầu trời trước mặt, không còn thấy đất mà chỉ có trời và không-gian… tốc độ giảm dần còn 25 hải lý; đạp nhẹ đều chân phải, mũi phi cơ lắt nhẹ, rồi từ từ đâm đầu xuống Suối… tốc độ nhanh dần đến bình phi. Chúng tôi đang vòng lại 180 độ trong chìu thẳng đứng chử I. Tôi nghe trong nón bay tiếng Mai phàn nàn

- “Anh ra khỏi vòng nguy hiểm một chút để chúng tôi nghỉ mệt, rồi vào lại sau!” Tôi hiểu được sức chịu đựng có hạn, nghĩ chỉ còn cách dựa vào đám rừng nguyên thủy dày đặt cây cao trước mặt bay qua đó cho anh em nghĩ mệt một chút.

- “Okay mọi người nằm đại xuống sàn tàu nghĩ 5 phút rồi tiếp tục!”

Lúc nầy Tôi mới có thời gian để hỏi Hảo:

- “Anh có liên lạc gì với Huệ chưa?”

- “Tụi nó ở không, rảnh quá cho nên cứ gọi hoài làm sốt cả ruột”

- “Thì anh cũng rảnh, nên trả lời cho Huệ yên tâm… liên lạc tốt chớ”

- “UHF và VHF thì rất tốt, duy có FM thì không nghe rõ”.

Nhìn tận mắt thung lủng với vách đá sừng sửng hiểm trở như vậy, quả thật đây là thánh địa khá vững chắc của Bộ chỉ huy tiền phương Ðoàn 559 mà phía Bắc Việt cho là Trung tâm đầu nảo lảnh đạo cuộc chiến miền Nam. Còn phía SOG thì đặt tên cho nó là “Oscar-Eight” – CIA với mục tiêu chiến lược họ gọi rằng:
“Mọi nơi miền Nam đều bị đụng trận nhưng chưa hoàn tất và chỉ để gây tiếng vang mà thôi” (Everything worked, but nothing worked enough) Vì thế nên mặc dù Miguez bị mổ ruột và thiêu sống, dù đây là một hành động vô cùng tàn ác trước sự chứng kiến của Toán SOG nhưng lệnh CIA buộc họ phải nhảy vào “Oscar-Eight”.

Giữa tháng Sáu năm 1967, lực lượng Hatcher Force được lệnh phải thâm nhập vào Trung Tâm đầu nảo Ðoàn 559 nầy, nó nằm vào khoảng 40 cây số phía tây-bắc thung lũng Ashau/ALuoi mà vừa rồi chúng tôi đã bay qua đó. Nơi đây đường xá cũng như sự hoạt động điều binh rất nhộn nhịp nối liền giữa Ðường 92 từ Lào qua 922 cùng nối liền 548 qua phần đất Việt Nam; Nơi đây ghi nhận số phi cơ đủ loại bị bắn rơi ngoài H-34 Queen Bee của Việt Nam là không hề hấn gì. Với lối bay khóa chặc các họng súng cũng như hóa giải sức thu-hút của hỏa tiễn cầm tay của Bắc Việt. Phi hành đoàn chúng tôi không ngạc nhiên gì về công sự phòng thủ kiên cố, những hầm trú ẩn nằm sâu trong hóc núi đá như những cánh cửa sắt có thừa sức chịu đựng của B-52, hai Tiểu Đoàn phòng không già kinh nghiệm, đang bảo vệ vùng trời của Tướng một sao Võ Bam trấn giữ tại đây. Ðây mới thật là Trung tâm kiểm soát và điều động hành quân trên trục Xa Lộ Harriman (Đường Mòn Hồ Chí Minh).

CIA mật báo cho biết, nơi đây là kho tiếp liệu lớn nhứt ngoài phạm-vi miền Bắc. Dĩ nhiên cái kiểu làm ăn của CIA là phải vào hang Cọp mới bắt được Cọp. Trung sĩ John Meyer trước đây đã vào một lần, ông cho đây là “ổ kiến Lửa” (the area was really hot. I mean, every team that went in there got the shit shot out of it).


Chỉ trước khi Toán Thám Sát SOG cho lệnh B-52 oanh tạc, máy dò tìm tình báo của họ phát giác từ nơi đây phát đi hàng ngày 2,300 công điện đi đến từ miền Bắc và song song với Lào. Do đó Tướng Westmoreland tin chắc có một tướng lãnh tư lệnh nơi đây. Dù rằng rừng nào Cọp nấy, nhưng Tướng Westmoreland rất hăng hái gởi Toán Thám Sát vào nơi đó định chuẩn, rồi đề nghị TT Johnson đưa quân đội Mỹ vào hành quân tiêu diệt. Hậu quả Westmoreland bị triệu hồi về trong im lặng.

Nơi đây chúng tôi kiếm một chỗ tương đối đáp được an-toàn không thể có, chỉ duy nhứt là bãi đáp ở trong lòng chảo sâu như cái chén, mà xung quanh đó chúng tôi cũng thừa hiểu rằng - chằng chịt những ổ phòng không lộ-thiên trên các sườn núi đá. Dưới chân núi là các hầm và hang động có thể chứa chấp từ cấp Tiểu Đoàn đến Trung Đoàn. Nhưng kết cuộc chúng tôi cũng lựa vào thời điểm mà những người ở vùng rừng núi thường chuẩn bị chổ ngủ cho một đêm dài trước đó.

Mặt trời tuy ngả về Tây ánh sáng vẩn còn le lói, chúng tôi cách bãi đáp chừng năm mười phút. Bổng dưng ở núi rừng bóng đêm chụp xuống một cách mau lẹ, là lúc đó tầm viễn kính thâu ngắn lại. Chúng tôi đã tìm được một hóc đá ở bên sườn xa về hướng Tây, tiếng động bị ngăn cản bằng một triền núi sau lưng chúng; Một cuộc ‘thâm-nhập’ coi như khá chu-toàn!

Sáng sớm hôm sau, thung lũng của cứ điểm chìm đắm dưới bức màn sương lờ mờ dưới con mắt của Toán SOG-Hatcher, B-52 sẽ thả đúng vào lúc 10 giờ sáng, gồm 9 chiếc, ba đợt, mỗi đợt ba chiếc với danh hiệu là “Arc-Light” cách nhau 5 phút. Hai toán viên người Mỹ là Thượng sĩ Billy Waugh và Covey từ cao điểm qua ống dòm: Gần 1000 trái bom loại nhỏ “mắt-Rắn” 250, 500, và lớn nhứt là 750 cân anh trải thảm trên thung lũng Ðoàn 559 Tiền phương. Hai người Mỹ đồng báo cáo ghi nhận có khoảng 50 tiếng nổ-phụ; Waugh vô cùng ngạc nhiên, ngay sau khi ngưng tiếng Bom nổ, Nó thấy lính Bắc Việt chạy ra từ những hang động dưới hóc đá và từ hầm đào sâu trong núi. Chúng ùa ra như ổ kiến lửa bị động, xô đẩy, lăn các thùng phuy xăng còn nguyên vẹn ra thật xa chỗ cháy.
Thượng sĩ Waugh liền gọi máy cho Trung tá Harold Rose ở Trại LLÐB Khe Sanh:

- “Thật đồ chó đẻ, chúng ta thả Bom chẳng ăn-thua gì cả, dường như chúng chẳng thằng nào bị chết nhờ ở trong hầm đá hang động được che chở an toàn, Tôi thấy họ đang dập tắt các đám cháy và di chuyển xăng dầu ra chỗ an toàn!”


Trục Ma Quỷ gọi chiến dịch này là “Tiếng Sấm Rền” là nghe cho vui tai chẳng có tiêu diệt ai cả, đây là điều lệ trò chơi gọi là ROE (Rule Of Engagement). Vì là trò chơi chiến tranh của trục Ma Quỷ, chín chiếc máy bay Arc-Light B-52 nầy là oanh tạc cơ chiến lược cất cánh tại đảo Guam, và các chiếc tàu Liên Xô ngụy trang là tàu đánh cá đã ước lượng giờ B-52 sẽ ở trên mục tiêu là 10.00 giờ sáng, thế nên Tướng Võ Bam mới ra lệnh cho lính của Ông núp vào hang động trước đó.
Thượng sĩ Waugh liền gọi máy cho Trung tá Harold Rose ở Trại LLÐB Khe Sanh:
"Chúng ta thả Bom chẳng ăn thua gì cả, dường như chúng chẳng thằng nào bị chết nhờ ở trong hầm đá hang động được che chở an toàn".


Vì là trò chơi chiến tranh của trục Ma Quỷ, chín chiếc máy bay Arc-Light B-52 nầy là oanh tạc cơ chiến lược cất cánh tại đảo Guam, và các chiếc tàu Liên Xô ngụy trang là tàu đánh cá đã ước lượng giờ B-52 sẽ ở trên mục tiêu là 10.00 giờ sáng, thế nên Tướng Võ Bam mới ra lệnh cho lính của Ông núp vào hang động trước đó, chớ còn B-52 bay trên 30.000 bộ có nghe tiếng động gì đâu mà xuống hầm. Vì thế nên trục Ma Quỷ mới gọi là chiến dịch “Tiếng Sấm Rền” nghe cho vui tai chẳng có tiêu diệt ai cả, đây là điều lệ trò chơi gọi là ROE (Rule Of Engagement). Ðổi lại, lấy thí dụ thành phố Ðà Nẵng chẳng hạn, vào một buổi chiều nào đó khi chiếc Tàu Bệnh-viện của Ðức Helgolan bắt đầu rời bến cảng Ðà Nẵng chạy ra khơi thì y như rằng: Phi trường Ðà Nẵng bị pháo kích! Ở trong phi trường thì sáng hôm đó có máy phóng thanh cho quân đội Mỹ ở trong Main Compound biết trước vào giờ ăn sáng, thường thường họ cho biết giờ nào, bao nhiêu trái đạn sẽ rơi vào phi trường. Ðến khi trước giờ pháo kích 5 phút thì còi báo động nơi Main Compound hụ lên để nhắc nhở mấy thằng Cu Mỹ nào chẳng may ngủ sớm thì thức dậy mà chui xuống hầm, không thì toi mạng ngay.

Mục đích trò chơi nầy là để tiêu hủy các phi cơ tại chỗ vì chúng nhứt định sẽ không đem về Mỹ, nếu còn nhiều phi cơ trong việc chuyển tiếp qua Việt Nam Hóa chiến tranh phải tốn kém thêm, vì phải bổ sung quân số, tăng cường số đơn vị rất nhiều tốn kém. Cái đỉnh cao dự trù cộng sản bắc Việt pháo tiêu hủy càng nhiều càng tốt để sự chuyển tiếp các đơn vị tân lập sẽ thu gọn khi Mỹ rút về nước. [Ðiều nầy làm tôi nhớ lại, khi Việt cộng pháo vào phi trường Ðà-Nẵng, tôi phải di tản các trực thăng vào các bải đậu an toàn, xa các trực thăng đang bị cháy, thì người cố vấn, Thiếu Tá Waitt bảo tôi - 'không cần di tản', cháy chiếc nào, Không kỵ Mỹ sẽ giao cho chiếc khác ngay lập tức để đủ cấp số phi đoàn]

Những điều trên đây phải khen vợ Lính Không Quân chúng tôi, không am tường chính trị cũng như quân sự, nhưng cứ mổi buổi sáng vào lúc 8 giờ, mấy bà nghe léo nhéo tiếng Mỹ gì đó ở Main Compound, thì các bà thản nhiên đợi đến 5 giờ chiều ra bến cảng Chợ Hàn, Ðà Nẵng mà thấy chiến Tàu Bệnh viện biến dạng là các bà chạy một mạch về nhà kêu réo mấy ông chồng:

- “Tối nay Việt Cộng pháo kích, Tôi ẩm mấy đứa nhỏ ra phố trốn… còn Ông muốn chết thì cứ ở lại đây mà đợi Pháo!”

Quả thật đúng như vậy!

Tôi bay trở vào lại gặp ngay con đường đất đỏ thẳng bon trên thế đất bằng phẳng, nhưng cây to dầy dặt của một khu rừng già nguyên thủy chưa có người khai phá. Bay ôm sát bên trái con đường để Nhã và Duncan được dễ dàng xoay sở chụp hình những gì khả nghi hoặc khác lạ về hoạt động của địch. Con đường bắt đầu chui xuống thấp rồi mất dạng trong đám rừng quá dầy. Tôi không cách nào tìm ra nó, bay cao thêm một chút để tăng tầm quan sát, thêm mười phút nữa để mò tìm, nhưng hoàn toàn không thấy nó đâu mà chỉ thấy trùng trùng điệp điệp toàn rừng cây cao.

Theo chiến thuật đột kích chụp ảnh chốp nhoáng không cho phép tôi trên nguyên tắc bay ngược lại tìm nó mà vẫn tiếp tục bay. Tôi lấy qua trái 30 độ bay trong vòng 3 phút, rồi lấy qua phải 60 độ bay trong vòng 3 phút, rồi trở lại 60 độ qua trái… cứ như thế mà bay cho đến khi nào gặp con đường thì bay theo nó, tiếp tục phi vụ, nhưng tuyệt đối không được bay lên cao vòng tròn tìm kiếm con đường.

Những con mắt cú vọ lõ ra tìm kiếm, không bao lâu tất cả chúng tôi đã khám phá ra được không những một con đường mà 3, 4 con đường, giống 4 con rắn đỏ đang bò trườn song song lượn mình trên đám cỏ. Tất cả chúng đều xuôi xuống về Ðông-nam, Tôi chúi mũi xuống sạt ngọn cây, mắt nhắm vào con đường lớn nhứt vì nó gần với chướng ngại vật thiêng liêng là đám rừng già. Lúc nầy Nhã và Duncan với con mắt kinh nghiệm nên không tránh khỏi thần kinh đang giao động. Họ cũng biết rằng không còn con đường nào khác, tòn teng chắc nịt trong sợi nịt an toàn mà bấm nút.

Ðang suy nghĩ mông lung thì nghe sau đuôi tiếng AK nổ dòn tan như ran bắp. Chúng tôi nghe cũng quen rồi nên ước lượng không đáng ngại vì quá xa, vả lại Họ giựt mình nên bắn hoảng đấy thôi làm sao trúng được; Con đường trước mặt sắp sữa băng qua con suối lắp sắp nước. Nhìn kỹ con đường làm dấu bởi dây rừng song song hai bên nối qua tận bên kia bờ, để làm gì? Thỉnh thoảng mỗi đoạn còn cột một cái gì như miếng vải đỏ để làm điểm chuẩn, rải rác đều nhau qua tận bên kia bờ, dường như để làm dấu cho tài xế khi lái xe qua suối không bị xụp lổ.

Ấy chết! bên kia có chòi tranh, có anh bộ đội vừa trong chòi bước xuống nấc thang. Còn một anh nữa thì đang lom khom dưới suối; Họ không kịp ngó lên huống hồ gì mà kịp đi tìm súng để bắn. Chúng tôi lướt qua êm ái không nghe một phát súng chào mừng nào cả.

Photo

Trên Xa lộ Harriman (đường mòn HCM), chúng tôi đã bay qua hơn 100 cây số từ Vĩ tuyến 17 đến thung lũng Ashau, nơi đây SOG hành quân được thi hành một các bí mật để thám sát hoạt động mức độ thâm nhập của Hà Nội. Thung lũng nằm dọc như một bức tường thành cách bờ biển 60 cây số từ Phú Bài đổ dài lên gần Vĩ tuyến theo trục hướng Ðông-nam về Tây-bắc với chiều dài khoảng 40 cây số, song song biên giới Lào/Việt có thãm cỏ xanh bề ngang 3 cây số lau-sậy khắp nơi. Tuy rằng thung lũng bằng phẳng nhưng vô cùng nguy hiểm cho đủ loại phi cơ bay qua vùng nầy với bất cứ cao độ nào. Khi chúng tôi sẽ bay ngang đây, chúng tôi đều cảnh giác không biết bao nhiêu cặp mắt thù địch đang theo dõi và quyết tâm bắn hạ.

Dưới thềm cỏ của thung lũng nầy, hai phi trường Ma ALuối và AShau vừa phải bị hủy bỏ vì áp lực địch cũng như cùng số phận của Ba Căn Trại Ma trống vắng dật dờ dưới lớp mây Stratus phủ ngập lên đó vào những lúc tờ mờ sáng. Trong khi con đường lớn 548 được nối dài từ Lào bởi hương lộ 922. Bây giờ con đường lớn nầy được cải bổ với vận-tốc xe có thể lên đến 50 cây số một giờ là con đường chạy nhanh duy nhứt trên Xa lộ Harriman với một tốc lực đáng được khích lệ như trên.

Trên những điểm mà chúng tôi vừa bay qua vùng núi Tam-Bôi phía Tây bắc Ashau là những hang động núi đá bao la và cũng là thành trì kiên-cố chống đỡ B-52 một cách hiệu quả, như Tôi vừa mới nêu trên qua Toán Thám Sát SOG của Thượng sĩ Billy Waugh báo cáo.

10 ngày sau khi cuộc hành quân Lam Sơn 719 bắt đầu, là ngày 18/2/1971, Sáu Toán thám sát SOG được thả xuống dọc theo đường 548, trên những cao điểm để quan sát đồng thời điều động phi cơ oanh kích yểm trợ cho trục tiến quân của quân lực VNCH qua cuộc hành quân Lam Sơn 719 rút lui trở lại đường tiến sát về phía biên giới Việt Nam.

Như khóa chận các đoàn quân tăng cường và tiếp liệu từ căn cứ 559 chuyển qua. Nhưng việc đó đã không xẩy ra, vì TT Thiệu không muốn quân lực VNCH vướng vào cái bẩy của trục Ma-Quỷ!

Thoạt tiên, Tướng Abrams muốn chuyển một Lữ Đoàn của Sư Đoàn 101 Nhảy Dù xuống nơi đây với bốn Tiểu Đoàn tinh nhuệ của Lữ đoàn. Nhưng giờ chót Tướng Haig cho lệnh hủy bỏ thay vì đem vào 3,000 chiến binh của Sư Đoàn 101 thì thay vào đó bởi một số ít người gồm sáu toán Thám Sát để giảm bớt sự thiệt hại. Phía phản tình báo Mỹ qua Phạm Xuân Ẩn đã cho Tướng Giáp biết trước, nên Tướng Võ Bam liền thành lập 11 đại đội đặc trách về chống Biệt kích thám sát thâm nhập với một Toán Chó Săn chuyên nghiệp tại thung lũng nầy và các Tiểu Đoàn xung kích biệt lập sẵn sàng cơ động đến nơi để tiêu diệt tức khắc Toán Thám Sát.

Nhưng thung lũng Ashau vẫn được yên tịnh vì TT Thiệu dám ra lịnh cho Tướng Lãm thả một đơn vị nhỏ của Sư Ðoàn-1 xuống Tchepone, “đái một bãi rồi về”, ngay sau khi TT Thiệu phát hiện trên phóng đồ hành quân có tên bãi đáp với danh nhân minh tinh màn bạc như LOLO, (Lolobrigida) LIZ, (Liz Taylor) SOPHIA, (Sophialorren) HOPE, (Bob-Hope) cũng như trước đó vài tháng nữ tài tử Jane Fonda ăn nói bố láo với sinh viên Ðại Học Michigan, như là một khổ nhục kế hay chiến tranh Siêu Tình Báo.

Ðứng trên phương diện chiến lược của SCP, TT Thiệu cũng thừa hiểu Hoa Kỳ muốn bẽ gảy cái xương sống của Quân Lực VNCH qua tiêu diệt các Sư Ðoàn thiện chiến nhứt của VNCH như Sư Doàn Dù, TQLC, Sư Ðoàn-1 BB, Lử đoàn 1 thiết kỵ, Liên Ðoàn BÐQ… Các Tướng lãnh Mỹ như Westmoreland rất đau buồn vì SCP muốn cho quân lực VNCH không còn những sỉ quan ưu tú trung cấp để thay thế cho cuộc chiến.

Ðây cũng nằm trong ý đồ của trục Ma Quỷ biến vùng núi phía Tây dưới quyền kiểm soát của CSBV để năm sau 1972 chuyển qua mà SCP gọi là Easter Offensive, tấn công từ vùng núi (tây) ra vùng đông dân cư, (đông) tam trùng Phạm Xuân Ẩn, điệp-viên CSBV được nhiều huy chương do sự báo cáo chính xác, nhưng lần nầy quá hấp tấp suy diển cho cuộc cưỡng chiếm Miền Nam 1972 qua cuộc Tổng Công Kích, nổi dậy quá sớm, kết quả CSBV phải hy sinh 100.000 quân cho chiến dịch Hậu-vệ (Linebacker) Làm sao điệp viên Ẩn hiểu nổi thế chiến lược 20 thù địch (1975-1995) Eurasian trong Á-châu chiến lược.

Cưỡng chiếm miền Nam 1972 thì quá sớm mà làm sao Ẩn hiểu nổi giữa chiến dịch oanh tạc Rolling Thunder và Linebacker khác nhau như thế nào?

Chúng tôi đang bay ngang một cánh rừng chồi, nằm bên trái con đường, “rừng chồi gì?” nương rẩy của lính bắc Việt đây mà! Những luống Khoai-lang lẫn lộn khoai mì nhánh lá xum xê phủ lấp lên trên ấy, thỉnh thoảng lại có vài cây bắp chêm-châm thêm trên luống, không ảnh làm sao phát hiện và giải đoán cho được! Chỉ có những chuyến bay kỳ quái trong “chiến-sử” Việt-Nam mới phát hiện được huyền thoại nầy. Giữa vườn bắp lại có hình nộm mặt đồ bộ-đội Cộng Sản. Chim rừng đói quá chúng đâu có sợ Việt cộng Sản là gì!

Con đường đất đỏ nầy sắp sửa băng qua một con suối cạn, những hoạt cảnh khác hơn con suối trước một chút. Không có dây rừng làm dấu chuẩn, Họ lấp đá lên cao khỏi mặt nước, mà chả có chòi gác. Chúng tôi lướt qua quá nhanh trong yên tịnh, tôi nghĩ: Hồi nảy là “cầu chìm” bây giờ là “cầu nổi.” Nếu như trời mưa bão ngập nước, tài xế cứ việc chạy giữa những gút vải Ðỏ là an-toàn.

Chúng tôi bắt đầu bay vào thung lũng Aluối chạy dài tới Ashau rồi tới Atep. Thung lũng là một thãm xanh đồng cỏ, chiều ngang 2 cây số, chiều dài 40 cây số, nhưng tôi lại không dám bay giữa thung lũng dù bất cứ vận tốc hoặc bất cứ cao độ nào. Vì hai bên bìa đồi là lính bắc Việt đã thiết lập những ổ phòng không cố định chỉa về phía Ðông nơi các phi cơ thường hay xuất hiện từ hướng đó, tôi căn cứ vào địa lý cũng như quan điểm quân sự thì nổ lực phòng không của bắc Việt chỉ nhắm vào phi cơ chiến thuật oanh kích từ ngoài biển đi vào.

Photo:

Tuy không dữ dội như ở Căn Cứ Tiền phương, sào-huyệt Ðoàn 559, nhưng đây là vị thế rất bất lợi cho trực thăng vì thiếu các chướng ngại vật thiêng liêng như vách núi, đồi cây, sườn núi, rừng già, khe tránh hướng gió tránh âm thanh, không có những cụm mây Stratus thấp lè tè che khuất tầm quan sát của địch.

Nói tóm lại hai cạnh đồi hai bên của thung lũng, lính bắc Việt chỉ có phối trí cố định súng phòng không ở bên sườn đồi phía Ðông để mở rộng tầm quan sát, làm sao đây! Chúng tôi đang bay về hướng Nam đến đỉnh núi Atep thuộc vùng Tà-Bạt, nhưng bắt buộc phải bay phía Tây của dãy đồi trọc đe dọa, làm sao để tránh tối đa trong tầm đạn phòng không, cánh cửa chính lại nằm ở bên phải mà phi vụ chính là bay chụp “không ảnh” thì làm sao?

Tôi thét lớn trong nón bay:

– “Ê Mai! Mở hai cánh cửa sổ bên trái… mau lên, tạm thời bảo Duncan và Nhả qua bên đó chụp… không thể ở bên nầy chụp… phải đổi chiến thuật vì địa hình thế đất thay đổi đột ngột”.

Phi cơ đang thoáng nhanh trên đồi trọc, bỗng thế đất tuột về hướng Tây quá gắt, không kịp phản ứng nhưng phải chúi mũi xuống thấp ôm sát sườn đồi. Gió đập mạnh phi cơ hụp xuống quá nhanh; Những cảnh hãi hùng đến kinh hoàng đang chui vào mắt chúng tôi. Có lúc bánh xe càng đáp như muốn đụng vào ổ phòng-không, những cột antène và lẫn lộn các cột bằng Tre với dây điện thoại nối dài chằng chịt trên đó. Tôi tin chắc cánh quạt đã vớt đi một vài cộc Tre cùng dây nhợ trên ấy không chừng? Ổ phòng không với hầm miệng Ếch màu đất còn đỏ tươi của đất núi đập vào ngay mắt chúng tôi, thậm chí còn thấy được anh bộ đội mặc áo thung chưa kịp nhìn lên; Hai nòng súng song song chỉa lên đen ngòm, nhưng tại sao chúng không ngụy trang bằng những sợi dây leo có lá như những chỗ khác mà chúng tôi đã bay qua? Tôi chắc rằng sẽ có những tấm hình chụp cách họng súng chưa đầy 20 thước, nhưng tiếc không có xạ thủ trên giàn súng. Rồi thì xa về phía đồi bên kia, giữa cảnh màu xanh của đồi trọc, rải rác biết bao nhiêu cái miệng Ếch màu đất đỏ đã trở nên màu bầm dập như gạch nung, nhiều đến nổi chúng tôi phải rùng mình.

Mong rằng các xạ thủ đừng nhìn thấy những người bạn không mời mà tới; tôi đoán chắc rằng gió biển thổi vào sẽ che lấp âm thanh máy nổ của chúng tôi xuôi sau hướng gió.

Bên trái, dưới thung lũng có nhiều đường mòn cũng hướng trục về Ðông-nam, màu đất của sình lầy không phải màu đất đỏ mà chúng tôi thường bay song song, nhưng lại tôi không dám bay sát gần đường mòn, vì không những hàng trăm mà hàng ngàn con mắt đang theo dõi, và sẽ bị bắn rụng ngay trên đó. “Can đãm nhưng phải có trí-tuệ” đó là câu nhựt tụng mà tôi thường đem ra dạy dỗ các phi công biệt kích; Bất chợt chúng tôi phát hiện hai chiếc xe Trâu, chiếc trước chiếc sau cách nhau vài thước vừa ló dạng sau đám rừng cỏ-lau cao hơn đầu người, làm sao biết chúng chở những gì trong đó vì đang ngụy trang đầy cành lá, đang đến cuối thung lũng Tà-Bạt. Thế đất cao dần, chỉ nhập lại thành một con đường lớn mà chiếc xe đầu đang vào. Tôi tăng tốc lực ôm sát đọt cây trở về bên trái con đường. Tôi báo cho Mai biết để thông báo cho Duncan, Nhã biết để trở lại vị thế bên cửa chính bên phải như thường lệ.

Con đường đang từ từ lên cao, Tôi sợ mất nên bám sát thật kỹ, lá rừng dầy đặt, cây cối mỗi lúc một cao dần; Con đường đất đỏ lúc ẩn lúc hiện chúng tôi càng dỏi mắt theo nó. Lại mất hút nữa rồi; Tôi bấn xúc-xích hỏi ba người ngồi dưới phụ giúp tìm nó ra giùm tôi. Tôi nghe trong nón bay, Hảo nói: “Nó bên trái nè!” Tôi nhìn qua Hảo thấy hắn chỉ ngón tay trái xuống dưới cánh cửa, quẹo gắt qua trái chụp nó ngay không nó sẽ mất. Chúng tôi đang bay lướt trên ngọn cây cách phía Tây Bạch Mả chừng khoảng chục cây số; Con đường đang hiện rõ ràng dưới ánh nắng chan chói của một vùng trống trải. Càng trống trải càng có nguy cơ bị trúng đạn, Tôi bay thật thấp như muốn đụng vào ngọn cây, với vận tốc tối đa, dĩ nhiên trên phi cơ ai ai cũng trống ngực đập thình thịch. Ở nơi đây mọc ra chi chích nhiều đường quá, có người kéo xe thùng mà Việt cộng gọi là xe cải tiến cho oai, không biết chở những gì trong đó. Tôi cố bám theo bên trái con đường lớn vì nó nằm gần rừng hơn. Nơi đây khá trống trải qua một cánh rừng chồi nên hiện rõ lộ ra song song với con đường như có ống cống nổi, chắc là ống dẩn dầu? Ồ, ở trước mặt có một làng nhà tranh to nhỏ đủ loại. Hình như trang trại hoặc nhà kho, hội trường, nhà hát chiếu phim; Ô! Họ đang chơi đấu bóng chuyền, tôi liền tăng thêm vận tốc mặc dù máy đã quay tối đa rồi. Họ ham vui nên không có chuyện gì xảy ra cho chúng tôi.


Chúng tôi đã qua vùng nguy hiểm, bây giờ Tôi bớt sức máy. Trước mặt lại xuất hiện nhiều ụ đất, cái gì nơi đó, chẳng lẽ kho đạn lộ thiên! Trên đó lại có nhiều đường cắt ngang giống như cây thánh giá bao quanh trọng điểm một nhà tranh khá lớn, trên nóc lại che một tấm ni-lông màu xanh nước biển để làm gì? Sao chỗ nầy vắng tanh như âm phủ trên trần gian vậy!
Nơi đây toán Thám Sát Biệt Kích người Thượng Yard và Mỹ đã khám phá ra vô số như là một trái núi hỏa tiễn 122 và 107 Katyusha của Liên Xô để pháo vào phi trường Ðà Nẵng, nhưng toán chỉ được lệnh chụp hình lãnh thưởng chớ không được đốt phá nổ. Trò chơi chiến tranh nầy thật vô cùng dã man! Biến những trái hỏa tiễn nầy thành quà tặng hãi hùng cho người dân Ðà Nẵng. Chỉ tội nghiệp gây biết bao thảm trạng cho người dân hai Miền, tai-họa từ đâu đến!


Chúng tôi đã qua vùng nguy hiểm, bây giờ Tôi bớt sức máy, tiếp tục ôm sát bên trái như ôm một nhân tình, chẳng lẽ suốt đoạn đường đời? Trước mặt lại xuất hiện nhiều ụ đất, cái gì nơi đó, chẳng lẽ kho đạn lộ thiên! Trên đó lại có nhiều đường cắt ngang giống như cây thánh giá bao quanh trọng điểm một nhà tranh khá lớn, trên nóc lại che một tấm ni-lông màu xanh nước biễn để làm gì!? Ðể che mưa vì sợ dột, hay để làm dấu cho chúng tôi khỏi bị bay lạc; Sao chỗ nầy vắng tanh như âm phủ trên trần gian vậy! Chúng đi đến chỗ chúng tôi vừa bay qua để xem đánh bóng chuyền!? Nơi đây toán Thám Sát Biệt Kích người Thượng Yard và Mỹ đã khám phá ra vô số như là một trái núi hỏa tiễn 122 và 107 Katyusha của Liên Xô để pháo vào phi trường Ðà Nẵng, nhưng toán chỉ được lệnh chụp hình lãnh thưởng chớ không được đốt phá nổ. Trò chơi chiến tranh nầy thật vô cùng dã man! Biến những trái hỏa tiễn nầy thành quà tặng hãi hùng cho người dân Ðà Nẵng. Chỉ tội nghiệp gây biết bao thảm trạng cho người dân hai Miền, tai-họa từ đâu đến!

Làm sao thế giới hiểu được đây là tấm bi thãm kịch “Eurasian Great Game” mà SCP Mỹ đã cho ra đời từ 1920 cho đến khi kết thúc cuộc chiến Việt Nam, sau 50 năm (2025) khi mà những thế hệ dính líu hai cuộc chiến tranh Việt Nam không còn nữa thì sử gia mới có đủ bằng chứng để dẫn-giải.

Lúc nầy là thời gian bức thiết nhứt, họ buộc phải kéo dài chiến tranh vì số quân Mỹ phải từ từ rút về theo đúng lịch trình để nâng đở các hảng hàng không không bị vở nợ và nó cũng là một quyền lợi cấp thiết nhứt cho chương trình CIP. Nhưng nuôi dưỡng đến chừng nào! bao lâu? Cũng tương đương thời gian người Pháp gây chiến; Trong khi quân đội Mỹ mở các cuộc hành quân “Lùng và Diệt Địch” thì CIA nuôi dưỡng tìm mọi cách che chở bảo vệ địch. Và nhiệm vụ của họ cũng rất rõ rệt: Quân đội lo trau dồi học tập trận chiến, còn CIA chăm lo quyền lợi của Ðảng Công Ty WIB [War Industries Board]

Tôi đưa tay lái cho Hảo, cảm nhận nên ngồi thư giản thần kinh một lát.

– “Hảo… Anh lái đi… bay cách nào mà Duncan và Nhã chụp được tổng quát”

Theo kinh nghiệm dưới con mắt nhà nghề của Tôi, nơi nầy cũng chẳng có những gì để chụp… toàn rừng già, không có sự hoạt động của loài người, Hảo lại cẩn thận bay cao lên đôi chút, nhưng không sao. Nơi đây không có chỉ dấu một sự đe dọa nào, bỗng nhiên, một bầy chim Két xanh mỏ đỏ nghe tiếng động vọng tới, ù bốc bay lên từ những lùm cây cao rậm rạp, có tới cả trăm con. Không kịp né… vài chú đang bị cánh quạt chánh chém vào, máu me lông lá dính vào mặt kính của phòng lái; Bầy Két nầy mà xà xuống vườn Bắp thôi đừng hòng còn dính lại một hột.

- “Hảo ơi… Anh mang tội sát sanh rồi!”

Tôi thét lớn lên không ngoài mục đích để phổi tống ra những ám khí không trong lành mà nảy giờ đang ém nhẹm nơi đó, trong phòng lái qua khung cửa kính, Tôi lặng yên kéo hơi thuốc lá đầu ngày, đã được dành sẳn trên túi áo nơi cánh tay, đôi mắt mơ màng ôn lại những câu thỏ thẽ của người đẹp Ni căn dặn phải làm như kinh nhựt tụng của mỗi chuyến bay. Không khác gì phi công làm “tiền-phi” đọc check list, nhưng có bao giờ tôi nhớ đâu. Như tận hưởng những giây phút thoải mái hiếm hoi nầy, tiếng cánh quạt chém gió hòa vào âm thanh động cơ đều đều xen lẩn với tiếng gió ve vuốt nơi cửa kính, thân tàu, đã giúp tôi trong khoảng khắc tạm quên bao khổ ải hiểm nghèo trong đời phi công biệt kích, cũng như những sự chú tâm rình rập của người anh em thù nghịch dưới đây. Chả trách gì có lúc thế nhân cứ thi vị hóa lối sống cũa những người như chúng tôi; Những nhà văn, nhà thơ, những nàng kiều nữ mộng mơ thường tả “mây” là những gì thơ mộng, huyền ảo, nhưng nếu là phi công biệc kích như chúng tôi: “mây” là bức tường thành bảo vệ chúng tôi che cặp mắt người xạ thủ phòng không nhưng chúng tôi cũng dựa vào mây trong những đêm về sáng để chấp nhận những yếu tố bất ngờ. Nhưng có ai hiểu cho chúng tôi đã phải hy sinh mạng sống 100% vì thời tiết, trong khi chúng tôi chưa bao giờ bị thiệt hại do súng đạn của người anh em thù địch.

Có chiếc H-34 đã chịu đựng đến 88 viên đạn AK mà vẩn lết về được nơi an-toàn và cứu sống cả một Toán thám sát. Sự thật mây đâu có phủ phàng mà là kinh hoàng cho chúng tôi! Nhưng đôi khi nó cũng cứu chúng tôi che những cặp mắt thù địch! Tuy nhiên cũng có dăm sự ganh tị nho nhỏ khá dể thương của các cánh chim bạn, sao không được tuyển vào kinh qua lẽ sống ngang dọc của phi hành đoàn Thần Phong-83!

Chúng tôi đang bay ngang bên phải là Bến-hiên, còn bên trái là Bến-Giang, xa về phía biên giới Lào Việt là tiền đồn Poste-6 chỉ cách biên giới vài cây số. Trước mặt là Aro và chệch qua trái là đồn Rô nó nằm ngay trên quốc lộ 14 do thực dân Pháp xây dựng từ khi chế độ thuộc địa được thành lập, nhằm mục đích khai thác các tài nguyên và khống chế các lực lượng nghĩa quân của phong trào Cần Vương ngày xưa. Ngày hôm nay chúng tôi đã có cơ duyên cũng như diểm phúc được bay ngang hai cái ‘nôi’ của Cách mạng Việt Nam. Cái đầu tiên ở phía Ðông Bắc ngọn núi Vôi Coroc, bên kia vĩ-tuyến 17 ngay đèo Lập-Cập, nơi mà Vua Hàm-Nghi mai phục chờ cơ hội lấy lại ngai vàng. Nơi đây cũng là địa điểm phân phối vàng và thuốc phiện từ Lào sang qua ngỏ Poste-6, Bến Giang, Thường Ðức, do những tay tứ chiến giang hồ trong giới trùm buôn lậu quốc tế.

Bây giờ, bắt đầu bay qua vùng đất đầy thử thách, đe dọa, tôi liền chụp tay lái đâm đầu mau xuống thấp theo bên trái con đường mòn ngoằn ngèo như con rắn Ðỏ-cam trườn qua đám cỏ Lau xanh.
Thế đất bắt đầu cao dần báo hiệu sắp đến vùng núi cao hiểm trở; những ngọn đồi thoai-thoai dợn sóng nằm ngang với những luống đất trồng những cây khoai mì, lá phủ xum xuê, lác đác vài cây Bắp vươn lên èo-uột không đủ cho loài Két liên-hoang vào buổi giao mùa. Ở giữa hai luống còn dặm thêm vài bụi cải bẹ xanh, đứng sừng sửng ở giữa lại một hình nộm với áo bộ đội để hù dọa bầy Két.

Kể ra thì người anh em bên kia chiến tuyến cũng có sáng kiến ngụy trang khá khéo léo vì trinh-sát cơ U-2 và RF-101 làm sao giải đoán không ảnh với hình tiệp với lá rừng nhưng duy không thể che cặp mắt soi mói của Duncan và Nhã. Nơi đây khá nhiều sinh hoạt của lính bắc Việt. Cây cầu Khỉ bắt ngang con suối nhỏ với lối mòn hiện rỏ nét biết bao sự qua lại trên đó, cỏ rạp rộng ngã qua hai bên lối mòn, bên kia Suối nhiều mái lá còn mới toanh mọc dọc theo dòng Suối với khoảng cách khá đều. Họ cũng rất tinh khôn không dám đụng đến phần đất của đồng bào Thượng. Rất dễ hiểu vì đồng bào Thượng thường ở chung với nhau trong một Sóc-Làng, nhà sàn cao hơn mặt đất chừng hai thước, nằm trên một chiều hình chữ I. Hoa màu người Thượng chỉ cần trồng một thứ như Bắp, Khoai. Họ không có trồng tạp nhạp để ngụy trang như lính bắc Việt, có nhiều trảng đất bỏ hoang vì đất hết mầu mở, nhưng họ sẽ trở lại trồng trong vài năm sau khi đất tái hấp thụ màu mở thiên nhiên, vì không có phân trồng nên họ phát rẫy, đợi bụi lá vàng khô lâu ngày, rồi lúc đó họ mới đốt để lấy phân tro-muối. Tro tàn lá mục là lớp phân duy nhứt rất cần thiết cho sự sinh tồn đối với họ.

Bắt đầu lại bay vào vùng nguy hiểm, trước mặt là cây rừng bị phá để khai hoang, hai bên đường nhà tranh mọc rải rác xen kẻ như vùng kinh tế mới, lại có xe trâu kéo, xe hủ-lô ống khói chần-dần như ống khói tàu, lại có vài chiếc xe Molotova dường như đang ngừng lại. Con đường đất đỏ bổng đổi qua màu đất sình, nhưng trở nên rộng rãi hơn, dường như đang băng qua vùng lầy lội.

– “À đây rồi...”

Bọn chúng chặt thân cây lót ngang đường nằm lúp xúp dưới lớp sình lầy và bên kia lưng chừng đồi xuất hiện nhiều chiếc Molotova đang từ từ lăn bánh. Vài chiếc đi đầu đang mất hút dưới những tàn cây rậm rạp; chúng tôi bay vèo qua nhanh quá, nên chẳng con ma nào chịu nhìn lên dung nhan tái mét của Nhã và Duncan đang tòn-teng nơi cửa bấm nút liên tục. Nếu lúc nầy chẳng may hết phim hay máy ảnh trục trặc thì thật là quá uổng, dịp may không thể có hai lần.
Trước mặt là vùng mật khu mà ngày xưa ba chiếc H-34 ngụy trang không bản số đã đáp ba đầu nguồn con Suối. Ba Toán Xung Kích (Killer Team) mưu toan bắt sống Tướng Nguyển Ðôn Tư lệnh vùng Khâm Ðức nầy; tôi không nhớ rõ vào năm nào nhưng chắc chắn là thời Ðệ-I Cộng Hòa của T. T. Diệm và Trung Tướng Trần Văn Ðôn, Bộ Tư Lệnh đóng tại Huế. “Làm sao bắt sống một cách dễ dàng Tướng Bắc Việt Nguyển Ðôn”.

Nhưng Ðại Úy Richardson, sỉ quan hành quân Delta Force bắt chúng tôi phải thi hành; Chắc cũng chỉ là thực tập như trực thăng Sikorsky CH-53 cứu tù binh Mỹ ở Sơn Tây 1970 – Tôi còn nhớ rõ, Ðại Úy Richardson bảo chúng tôi, ba chiếc cất cánh khi mặt trời chưa mọc, mỗi chiếc H-34 chở một Toán xung kích 10 người, trang bị tiểu liên xung kích của Tiệp Khắc và phóng lựu, đột kích chớp nhoáng chỉ trong vòng 5 phút ngay khi có tia nắng đầu tiên của mặt trời ló dạng, rồi rút về ngay. Khi đáp xuống sườn đồi thoai thoải nghiêng trái, tôi cũng chẳng cần vội vả cất cánh bay vòng vòng. Nhìn xuống bánh đáp càng bên phải, Tôi phát hiện ra một ngôi mộ còn mới không hương khói, xung quanh trồng đủ loại hoa màu làm tôi bở ngở ngạc nhiên trong tằm mắt.
Bảy phút sau, các Toán đều trở về trực thăng, chúng tôi bay trở về hậu cứ. Chả thấy Toán nào báo cáo bắt được, Tướng Nguyễn Ðôn mà chỉ nghe Cơ-phi Vàng nói: “Chỉ tịch thu được một bộ đồ Tướng, một cái quần Jean và một mớ bao cao-su ngừa thai. “khó tin… ở trong rừng mà Tướng CSBV cũng ‘en-doi’ nữa sao?”.

Ðồn Chalang cách đây chừng hơn một cây số đường chim bay, hồi trước rừng già trùng điệp bây giờ quá quang đãng, đồn nằm ngay ngả ba con Suối nhỏ. Những khi trần mây chụp xuống thấp, phủ kín thung lũng, các vận tải cơ C-47 thả dù tiếp tế bó tay. Lại phải nhờ vào các chiếc quan sát cơ L-19 thả gạo như khu trục thả Bom, báo hại các quan sát viên nào yếu sức phải ói mửa tùm lum, vì không có cách nào để thả cho được chính xác, bằng cách chúi mủi phi cơ với gốc độ đáng kể, nhưng một bao như vậy chỉ được 8 kilô gạo để sống lay lất qua ngày chờ trời tốt lại. Xa hơn nữa là tiền đồn Dak-Prau, tiền đồn cao nhứt nằm trên chóp núi gần 4000 bộ, chệch về phía Tây nam một tí là ngọn núi cao nhứt của miền Nam Việt Nam, đó là đỉnh Ngọc Linh cao 6200 bộ. Nơi đây biết bao nhiều huyền thoại xảy ra có lúc được xem như là “Tam Giác Quỷ” của miền Nam hồi đó, không thua gì “Tam Giác Quỷ” của Ðại Tây dương, nhiều phi cơ Việt Nam và Hoa Kỳ đã rớt rải rác nơi đó như những cuộc lể tế thần nhưng không chiếc nào bị phòng không của địch hạ.

- “Hảo, Anh lái… mình về Quảng Ngãi ăn cơm… đói rồi!”.

Tôi đang lim-nhim đôi mắt trong giấc ngủ chập chờn cùng âm thanh đều đều thoảng mát.


219 longma

1. Không ảnh trên đường mòn hcm
http://hoiquanphidung.com/showthread.php?2813-Tr%E1%BB%B1c-Th%C4%83ng-bay-Low-level